toàn bộ khi đưa ra bỏ phiếu tại Thượng nghị viện. Mặc dù Fulbright có bày
tỏ lòng ngưỡng mộ với Nixon sau những bước tiến mà ông đã tạo ra trong
việc giải trừ vũ khí cũng như tái đệ trình nghị định thư, nhưng ông cũng chỉ
rõ rằng chính quyền của ngài tổng thống đang bị cô lập: họ đang đi ngược
lại xu thế dư luận quốc tế đại diện là Liên Hiệp Quốc, và việc làm của họ sẽ
phủ nhận mục tiêu cơ bản của việc hạn chế sử dụng vũ khí hủy diệt hàng
loạt. Fulbright thừa nhận rằng cách hiểu Nghị định thư Geneva còn khá mập
mờ. Tuy nhiên, ông cho rằng rõ ràng vũ khí diệt cỏ có tác hại vô cùng khủng
khiếp đối với môi trường, do đó, nên bị cấm hoàn toàn và mãi mãi. Fulbright
kết thúc bức thư với lời kêu gọi bản ngã và bản năng chính trị của Nixon:
“Nếu chính phủ có tầm nhìn sâu rộng hơn về lợi ích của nước ta, tôi nghĩ sẽ
không có sự phản đối lớn nào, dù trong hay ngoài nước Mỹ. Trái lại, cá nhân
tôi tin rằng nếu các ngài chủ động làm vậy, hành động ấy sẽ được xem là
biểu hiện của lòng can đảm và đạo đức thực sự.
Nhà Trắng không trả lời Fulbright ngay, cũng không phản hồi về nghị
quyết của thượng nghị viện và nhiều lời kêu gọi từ những thành viên Quốc
hội khác yêu cầu bỏ cách diễn dịch hạn hẹp nghị định để tiến hành phê
chuẩn nghị định ngay. Lịch sử lại sắp lặp lại: sự bế tắc giữa Fulbright và
Nixon báo hiệu rằng một lần nữa, Mỹ sẽ không thể tham gia nghị định
Geneva. Thay vào đó, chính quyền chọn cách tạm tránh dư luận cho đến khi
họ có trong tay kết quả nghiên cứu thực địa mới được tiến hành trong thời
gian diễn ra các cuộc điều trần trước thượng nghị viện. Sau một thời gian im
lặng, ngài tổng thống yêu cầu NSC đánh giá lại tất cả các chất hóa học được
sử dụng trong chiến tranh Việt Nam về mặt lợi ích quân sự, hậu quả đối với
môi trường và những trách nhiệm chính trị đối với quốc tế và trong nước.
NSC hoàn thành báo cáo vào tháng Chín năm 1971. Mặc dù Quốc hội đã cử
NAS thực hiện một khảo sát độc lập về chiến tranh diệt cỏ vào tháng Mười
năm 1970, nhưng Nhà Trắng vẫn muốn có một bản báo cáo nội bộ trước
năm 1974, thời điểm NAS công bố kết quả của mình. Bản báo cáo của NSC
một lần nữa nhấn mạnh lợi ích quân sự của thuốc diệt cỏ và hơi cay, đồng
thời cũng nhắc tới những trách nhiệm chính trị của việc sử dụng hóa chất
trong chiến tranh. Đó là bản báo cáo đầu tiên tìm hiểu nghiêm túc về mặt lợi