tâm và thiên tài của tôi đòi hỏi. Tôi muốn đọc những cuốn sách có sức
cổ vũ tôi... Nhưng tôi không muốn đọc Karl Marx, các người nghe ra
chưa, tôi không muốn dù ông ta có đúng một nghìn lần chăng nữa... Tôi
là tôi!... Và mặt khác cũng hoàn toàn đúng như thế, mẹ ạ, em ạ: tôi sẽ
không đời nào đi hôn tay cái lão Đênikin của các người đâu... Cũng
chính vì những lý do tôi đã nói rõ...
Sau khi đã tuôn hết những nỗi niềm ấy ra, vừa nói vừa hoa chân múa
tay hết sức hùng dũng dưới ánh nắng bốn mươi độ, Xtêpan
Alekxêyêvits lại quay ra lục trong đống áo quần một cái áo đuôi tôm
đen, một cái quần và đi xuống gian hầm, cũng một cách thiếu nhất quán
không kém. Nửa giờ sau ông ta bước ra, y phục chỉnh tề, cổ áo sơ mi
hồ cứng, tay cầm cái mũ phẩm phục và chiếc can. Trong sân không ai
nói thêm một tiếng nào nữa. Xtêpan Alekxêyêvits đi ra phố, men theo
vỉa hè có bóng rợp đến nhà thờ lớn.
Những cây xiêm gai thấp trồng quanh nhà thờ xám xịt những bụi.
Dưới gốc cây có mấy gã ăn mặc rách rưới đang ngồi lê la. Một gã trong
bọn cứ nhìn thẳng lên mắt Xtêpan Alekxêyêvits nói giọng trầm, khẽ
thôi, nhưng đủ nghe rõ:
- Bộ mặt kỳ diệu đã trải qua nhiều biến đổi thần kỳ. Sau dãy rào có
một đại đội cô-dắc đi bộ mặc áo sơ mi màu ngụy trang đứng xếp hàng
và một trung đội junker mặc đại quân phục lễ trưng, áo
khoác cuộn tròn lại đeo khoác qua vai, nịt đeo cà-mèn và xẻng, nằm
la liệt trên lớp cỏ cháy xém... Bên thềm nhà thờ tụ tập một tốp dân phố.
Xtêpan Alekxêyêvits nhận ra Saverđôv, ông chủ hiệu bán đồ da dùng
cho phụ nữ, con người ngọt ngào thớ lợ, mặc áo sơ mi thêu, cùng đứng
với bà vợ và hai đứa con, và ông chủ nhà in Prêix, một người Do thái
theo đạo, dáng người nhỏ bé, ăn mặc xốc xếch, lúc nào cũng nhặng xị
lên, cùng đứng với bà vợ sáu đứa con. Xtêpan Alekxêyêvits lơ đãng gật
đầu chào họ và đi vào trong nhà thờ mát rượi. Nhờ cái áo đuôi tôm
phẩm phục, người ta để cho ông vào tự nhiên, có người lại còn tránh ra
nhường lối nữa.