chứng nhận của dân ủy giáo dục ra.
- Tôi làm việc ở Kiev mãi cho đến khi có lệnh tản cư. Tôi dạy ở một
trường vỡ lòng... Ông ủy viên nhân dân yêu cầu nhất thiết tôi đừng ở lại
với bạch vệ... Vả lại bản thân tôi cũng không muốn ở lại chút nào...
Ông ấy lại có đưa cho tôi bức thư này, gửi ông dân ủy Lunatsarxki...
Nhưng thư có niêm phong... Người kia đọc giấy chứng nhận, đọc địa
chỉ đề ngoài phong bì. Tất cả những cử chỉ của hắn đều chậm rãi.
- Thật ra, phòng của bà cụ không có ai ở cả. Nếu cô nhất định muốn
ở đây, cô cứ vào... Tuy ở đây mục nát mốc meo cả rồi... Ở Moxkva có
thể chiếm bất kỳ biệt thự nào chưa có người ở... Hắn tránh ra để cho
Katya bước vào một gian nhà bếp tranh tối tranh sáng ngổn ngang
những bàn ghế gãy, Hắn chỉ cho nàng cái chìa khóa phòng bà già treo
trên một cái đinh đóng trên tường một dãy hành lang ám khói, rồi chậm
rãi trở về phòng mình (phòng làm việc trước kia của Nikôlai Ivanôvits).
Katya chật vật mãi mới mở được cửa căn buồng ngột ngạt có hai cửa
sổ, bên ngoài bê bết những bùn khô. Trước kia đó là buồng ngủ của
nàng. Giường của nàng vẫn ở chỗ cũ, và trên tường vẫn treo cái tủ
thuốc con con chạm trổ có hình Alkonost và Xirin trên cánh cửa: dạo
ấy nàng đã lấy lọ morphin trong tủ này ra. Bà Marya Kônđratyevna quá
cố đã lôi về đây những đồ đạc tốt nhất trong cả căn nhà - đi-văng, ghế
bành, giá để đồ cứ chồng chất lên nhau, nhiều cái đã gãy, phủ đầy bụi
và mạng nhện.
Katya thấy nản quá: trong cái thành phố Moxkva rộng mênh mông,
vắng vẻ và đói khát, bị nắng tháng bảy thiêu đốt, trong căn phòng ngột
ngạt chất đầy những đồ đạc không cần thiết này nàng phải bắt đầu
sống, bắt đầu bước vào vòng thứ ba của đời mình. Nàng ngồi lên tấm
đệm để trần và lặng lẽ khóc. Nàng rất mệt và đói. Nàng thấy cái sức lực
nhỏ bé của mình không sao khắc phục được những khó khăn phức tạp
trước mắt. Nàng nhớ lại ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo đáng yêu, thân thiết bên
cạnh trường học, mảnh vườn nhỏ, cánh đồng mấp mô ở bên kia hàng
rào... Cái chổi bên ngưỡng cửa, chậu nước trong phòng lót, cái ánh