lao động, Cô thanh niên cộng sản Maruxya được miêu tả chỉ trong vài
trang, nhưng hình bóng của cô thấm nhuần chất thơ của sự trong trắng
và niềm tin ở lý tưởng...
Qua tất cả những nhân vật này, cũng như qua việc thể hiện một cách
chân xác hình tượng đám đông thủy thủ, hình tượng của những người
lao động, A.Tôlxtôi muốn vạch rõ ảnh hưởng và tác động của họ đối
với những người trí thức, vạch rõ sự xuất hiện con người mới.
Năm 1939, Tôlxtôi viết cuốn Buổi sáng ảm đạm, tập cuối của bộ ba
Con đường đau khổ và đã chấm dấu hết vào đúng ngày nổ ra chiến
tranh vệ quốc vĩ đại - ngày 22-6-1941. Nối tiếp nhiệm vụ mô tả những
biến cố lịch sử của Năm 1918, trong phần cuối này của bộ tiểu thuyết,
A.Tôlxtôi đã sáng tạo một cách thể hiện độc đáo. Trong khi thu hẹp
nhiệm vụ mô tả các sự kiện lịch sử vào vùng Ukrain và vùng xung
quanh Xarítxưn, A.Tôlxtôi đi vào chiều sâu nội tâm của nhân vật, chiều
sâu do cuộc cách mạng và nội chiến, do cuộc sống tác động vào ý thức
và tâm lý của hàng triệu người.
Trong Buổi sáng ảm đạm cũng như trong Năm 1918, A.Tôlxtôi đã sử
dụng rộng rãi những tài liệu lưu trữ lịch sử. Và do đó có thể gọi Buổi
sáng ảm đạm và Năm 1918 là biên niên sử của cuộc nội chiến. Dễ có ấn
tượng là kết cấu của cuốn tiểu thuyết bị xé lẻ do sự mô tả luân phiên,
chồng chéo nhau giữa hai tuyến sự kiện và con người, nhưng dụng ý
của A.Tôlxtôi là muốn làm nổi bật tính chất bão táp của thời đại. Một
bên là số phận cá nhân của các nhân vật, tình yêu, cuộc sống, những ưu
tư dằn vặt, những tìm tòi đau đớn... và một bên là chính lịch sử đang
chuyển động và soi bóng mình vào vận mệnh của mỗi cá nhân. Lịch sử
không chỉ chuyển động trong các lớp tầng riêng tư của tiểu thuyết,
chính lịch sử là một nhân vật lớn. Đã có nhiều nhà văn viết về nội chiến
cách mạng của nước Nga. Nhưng sức mạnh của tài năng A.Tôlxtôi là ở
chỗ ông đã miêu tả thành công những bức tranh sử thi rộng lớn, đồng
thời đã mô tả một cách tinh tế, đầy cảm hứng thơ ca những tình cảm
sâu kín nhất của con người.