"HÀNH TRÌNH QUA THỐNG KHỔ"
CỦA CÁC NHÂN VẬT
Đối với A.Tôlxtôi, tác phẩm cũng chính là cuộc đời ông. Ông đã
sống, đau khổ, đi đến niềm vui, ánh sáng cùng với nhân vật của mình.
Con đường của nhân vật chính là con đường của tác giả, con đường đi
từ những hoài nghi, những dằng xé của cuộc đời cô đơn, trống rỗng đến
cuộc đời lớn của nhân dân và cách mạng.
Têlêghin là người đã tìm đến với cách mạng sớm hơn cả và đã tìm
thấy chỗ đứng của mình trong cuộc chiến đấu sống còn. Ở chỗ kết thúc
của tất cả những nhân vật gần gũi với chàng về nếp sống tinh thần,
Têlêghin đã tìm ra điểm khởi đầu trên con đường đến với cách mạng.
Tin tưởng vào lương tri của mình; chân thành, giản dị, từng bước một,
Têlêghin đã lao vào giữa cuộc đấu tranh, trải qua những thử thách khốc
liệt, và dần dần thay đổi cả cuộc sống của mình. Trong các tập sau của
bộ tiểu thuyết, Têlêghin không còn là chàng kỹ sư "tốt bụng", dễ dãi,
ngây thơ như trong tập I. Cách mạng đã nâng người chàng lên trên mức
bình thường. Tràn đầy nhiệt huyết trong cuộc chiến đấu lớn lao,
Têlêghin đã có những chuyển biến hết sức sâu sắc trong nhận thức về
cách mạng cũng như trong những góc sâu kín của tình cảm riêng tư.
Nhân vật đã ngang tầm thời đại.
Thoạt mới nhìn, Têlêghin là một người thông thường, một con người
không có những xung đột nội tâm gay gắt và do đó có thể ít thú vị hơn
so với tính chất sắc nét trong con người Rôstin. Nhưng đây chính là
dụng ý của A.Tôlxtôi trong cách miêu tả nhân vật: cái giản dị, "thông
thường" của Têlêghin càng làm nổi bật lên những phẩm chất bên trong
phong phú của chàng.