lâu mà vẫn không sao biết được việc gì đã xảy ra. Ông lấy thuốc an
thần nhỏ vào cốc nước, cho Đasa uống và bản thân ông cũng uống luôn
thể.
Đasa ngồi trên giường nắm chặt hai tay đấm mạnh lên ngực và nói
khe khẽ, giọng tuyệt vọng:
- Anh Nikôlai ạ, em không sống được nữa đâu. Anh hiểu chứ? Em
không thể sống, và không muốn sống làm gì nữa.
Sau sự việc đã xảy ra, nàng thấy khó sống quá, mà sống như nàng
vẫn sống trước kia thì không thể được.
Chiến tranh mới chỉ chạm ngón tay sắt vào Đasa, mà tất cả những
cảnh chết chóc và đau thương đã trở thành những nỗi niềm riêng của
bản thân nàng. Và khi những ngày tuyệt vọng đau đớn đầu tiên đã qua,
Đasa bắt đầu làm cái việc duy nhất mà nàng có thể làm và biết cách
làm: nàng học qua lớp y tá cấp tốc và đến làm việc ở bệnh viện quân y.
Lúc đầu rất khổ. Từ mặt trận đưa về những người thương binh đã lâu
ngày chưa được thay băng. Những cuộn băng xô tỏa ra một mùi nồng
nặc đến nỗi các nữ y tá đều thấy khó ở. Những khi mổ xẻ, Đasa phải
cầm những bàn tay, bàn chân đã đen xạm lại, máu mủ và thịt rữa đông
cứng trên các vết thương bóc ra từng mảng, và nàng đã được thấy
những con người cường tráng nghiến răng ken két và run bắn cả người
lên một cách thương tâm.
Những nỗi đau khổ ấy nhiều đến nỗi dù có dốc hết lòng trắc ẩn trên
khắp thế gian này cũng không thể nào xoa dịu nổi. Đasa bắt đầu cảm
thấy rằng bây giờ nàng đã vĩnh viễn gắn bó với cuộc sống tàn tật và
máu me này, và ngoài nó ra không còn có một cuộc sống nào khác nữa.
Đêm đêm trong gian phòng trực ngập trong ánh sáng dìu dịu của ngọn
đèn chao xanh, Đasa lắng nghe những tiếng động quanh phòng. Bên kia
tường có ai nói ú ớ ở trong cơn mê, một chiếc xe hơi đi qua làm những
lọ thủy tinh đặt trên giá thuốc rung lên lạch cạch. Cảnh buồn tẻ này
chính là một mảng nhỏ của cuộc sống thực.