đầu ngạo nghễ lên tiếng phỉ báng lăng mạ nước Nga.
Pêterburg cũng như mọi thành phố lớn, đang sống trong cuộc sống
nhất thể, khẩn trương và bận rộn. Có một sức mạnh trung tâm điều
khiển hoạt động này, nhưng nó không hòa hợp được với cái mà ta có
thể gọi là tinh thần của thành phố; sức mạnh ấy cố xác lập một tình
hình ổn định, yên tĩnh và hợp lý, còn tinh thần của thành phố thì lại
muốn phá hoại cái sức mạnh ấy. Tinh thần phá hoại lan tràn khắp nơi,
chất độc giết người của nó ngấm vào mưu đồ chứng khoán đại quy mô
của gã Xaskô Xakelman trứ danh, cũng như nỗi căm hờn u uất của
người thợ nhà máy đúc thép, vào những ước mơ kỳ quặc của nhà nữ thi
sĩ thời thượng đang ngồi trong căn hầm của tửu điếm nghệ sĩ “Lục lạc
đỏ", và ngay những kẻ cần đấu tranh với sức phá hoại này cũng vô tình
làm đủ mọi cách để tăng cường và mài sắc nó lên.
Đó là cái thời mà tình yêu cùng với những tình cảm tốt lành bị coi là
tầm thường và hủ lậu. Không ai biết yêu thương, nhưng mọi người đều
khao khát những cái gì cay nóng có thể cào gan xé ruột, và hễ gặp được
là vồ lấy ngay như những kẻ ngộ độc.
Các cô thiếu nữ không dám thú nhận là mình còn trinh, những đôi vợ
chồng rất sợ người ta biết là họ chưa có ngoại tình, sự phá phách được
coi là hành động trang nhã, tình trạng suy nhược thần kinh được coi là
dấu hiệu của sự tinh tế. Các nhà văn thời thượng xuất hiện từng mùa từ
cõi hư không đều dạy người ta như vậy. Người ta tự bịa đặt ra cho mình
những chuyện xấu xa và những chuyện dâm ô bệnh tật, cốt sao đừng
mang tiếng là nhạt nhẽo vô vị.
Thành Pêterburg năm 1914 là như vậy, phờ phạc vì những đêm
không ngủ, cố trấn áp nỗi chán chường bằng men rượu, bằng kim tiền,
bằng những cuộc ái ân không chút tình cảm, bằng những âm thanh day
dứt chứa chất một dục vọng bất lực của điệu tango - một thứ câu ca của
giờ hấp hối - đô thành sống như thể để đợi chờ một ngày oan nghiệt và
tàn khốc. Và quả cũng có những tiên triệu báo trước cái ngày ấy - một
cái gì mới lạ, không sao hiểu nỗi, đang từ từ toát ra khắp các kẻ hở.