2
-... Chúng tôi không muốn nhớ gì hết. Chúng tôi nói: thôi đủ rồi, hãy
quay lưng lại với dĩ vãng! Sau lưng tôi phỏng có gì? Có tượng Vệ-nữ
Milô ư? Thế liệu có ăn được nó không? Hay có thể dùng làm thuốc
mọc tóc? Tôi thật không hiểu tôi cần gì cái cục đá ấy! Nhưng nghệ
thuật, nghệ thuật, ái chà! Các ngài vẫn còn thích lấy cái khái niệm ấy cù
nách mình lắm à? Các ngài hãy nhìn sang hai bên, nhìn phía trước, nhìn
xuống chân mà xem. Chân các ngài đi giày Mỹ! Giày Mỹ muôn năm!
Nghệ thuật phỏng? Một chiếc xe hơi đỏ chót, bộ lốp cao su, hai chục lít
xăng và trăm cây số một giờ: thế mới là nghệ thuật chứ! Nó thôi thúc
tôi phóng lên ngốn ngấu không gian. Nghệ thuật phỏng? Một tờ áp-
phích cao mười sáu ác-sin, và trên áp-phích là một chàng công tử bảnh
bao đội một chiếc mũ ống cao bóng lộn lên. Đó là một anh thợ may,
một nghệ sĩ, một thiên tài của thời nay! Tôi muốn ngốn ngấu cuộc
sống, thế mà các ngài lại cho tôi uống chút nước đường pha loãng dành
cho bọn liệt dương...
Cuối gian phòng hẹp, sau dãy ghế tựa, nơi đám sinh viên cao đẳng
đứng chen chúc, có tiếng cười và tiếng vỗ tay đôm đốp. Người vừa diễn
thuyết là Xerghêy Xerghêyêvits Xapôjkôv, nhoẻn cái miệng ươn ướt ra
cười, sửa lại cho vững cặp kính không gọng đang nhảy nhót trên cái
mũi phình to và nhanh nhẹn bước xuống các bậc cấp rời khỏi cái bục
lớn bằng gỗ sồi.
Bên cạnh, các hội viên hội "Dạ đàm triết học" ngồi sau một chiếc
bàn dài đặt hai cái chân nến năm ngọn. Ở đây có cả ông chủ tịch hội là
giáo sư thần học Antônôvxki, có cả người đọc báo cáo trong buổi này
là nhà sử học Vêlyaminôv, có cả nhà triết học Borxki, lại có cả nhà văn
Xakanin - một cây bút hóm hỉnh.
Hội "Dạ đàm triết học" mùa đông năm nay phải chống chọi với một
cuộc tấn công dữ dội của nhóm thanh niên chẳng có tiếng tăm gì mấy
nhưng lại rất to mồm. Họ lao vào công kích các nhà văn có tên tuổi và
các triết gia có uy tín một cách hung hăng và nói những điều táo tợn và