mu-gích chỉ là một con người bụng đói meo và lưng sây sát vì khổ
dịch, chừng nào người ta vẫn khăng khăng gán cho họ những đức tính
cứu thế mà trước đây một gã địa chủ nào đó đã bịa đặt ra cho họ, thì
vẫn cứ còn hai thái cực tồn tại một cách bi đát: một đằng là những tư
tưởng tuyệt vời mà các ngài đã nặn ra trong bóng tối của văn phòng,
một đằng là đám dân mà các ngài không thèm tìm hiểu một chút nào...
Thật ra ở đây chúng tôi cũng không cố ý phê phán các ngài. Chẳng hơi
đâu đi làm cái việc kỳ cục là khảo sát trí tưởng tượng viễn vông của
con người: đó là một mớ hổ lốn hết sức quái đản. Không. Chúng tôi chỉ
muốn nói: các ngài hãy cứu lấy thân, trong khi hãy còn chưa muộn. Bởi
vì những tư tưởng và những kho tàng của các ngài sẽ bị vứt không chút
tiếc thương vào thùng rác của lịch sử.
Người thiếu nữ mặc áo dạ đen không có chiều muốn nghĩ sâu vào
những điều đang được nói ra trên cái bục gỗ sồi. Nàng cũng thấy những
lời bàn luận ấy dĩ nhiên đều rất quan trọng và có nghĩa lý cả, nhưng cái
quan trọng nhất là một cái gì khác, mà những con người kia không hề
nói đến...
Lúc bấy giờ có một người mới đến xuất hiện sau cái bàn phủ nỉ xanh.
Người ấy thong thả ngồi xuống cạnh chủ tọa, gật đầu chào bên này bên
nọ, đưa bàn tay ửng đỏ lên vuốt lại mái tóc hung ướt sũng vì ngấm
tuyết, rồi giấu hai tay xuống dưới bàn, ngồi thẳng người lại trong tấm
áo đuôi én màu đen may rất chật: khuôn mặt xương với nước da đục,
đôi mày vòng cung, và duới bóng rợp của đôi mày ấy là hai con mắt
xám mênh mông. Mái tóc người ấy xỏa xuống quanh đầu như một
chiếc mũ chụp. Trên số ra gần đây nhất của một tờ tuần báo có in bức
chân dung đúng hệt như vậy của Alêkxêy Alekxêyevits Bexxônôv.
Người thiếu nữ bây giờ không còn trông thấy gì nữa ngoài khuôn
mặt có một vẻ đẹp hầu như ghê tởm ấy. Nàng tựa hồ như kinh hãi dán
mắt vào những nét mặt kỳ dị mà nàng vẫn thường mơ thấy trong những
đêm Pêterburg lộng gió.