súng trường. Thôi muốn ra sao thì ra, chứ mình sẽ không bao giờ còn
quay lại với cuộc sống cũ nữa. Những mối oán cừu tích tụ từ bao thế kỷ
nay đã sôi réo lên.
Qua ba năm họ đã biết rõ thế nào là chiến tranh. Phía trước là một
khẩu đại liên, và phía sau là một khẩu nữa: cứ phải lăn lóc trong phân
rác, áo quần đầy chấy rận, chừng nào hãy còn sống. Rồi sau đó họ đã
giật mình hoang mang: cách mạng!... Họ đã sực tỉnh: thế chúng tôi đây
thì sao hở? Người ta lại bịp chúng tôi lần nữa chăng? Họ lắng nghe
những kẻ đi tuyên truyền: thế ra trước đây ta vẫn là đồ ngu, nhưng từ
đây thì phải khôn ngoan mới được. Đánh nhau đủ rồi, bây giờ phải về
nhà mà đền ơn trả oán. Bây giờ ta đã biết rõ phải cắm lưỡi lê vào bụng
thằng nào. Bây giờ không còn Sa hoàng, cũng chẳng còn thượng đế.
Chỉ còn chúng ta. Về thôi, về mà chia đất!
Như một lưỡi cày, những đoàn tàu chở lính từ mặt trận về kéo qua
những cánh đồng bằng Nga, bỏ lại ở phía sau những ngôi nhà ga dột
nát, những dãy toa bị đập vỡ, những thị trấn bị lột da. Trong các làng
mạc và trại ấp vang lên tiếng rít nhức nhối của những lưỡi dũa: người ta
đang cưa cụt những nòng súng trường. Dân Nga lại lập cơ ngơi vững
vàng trở lại trên đất đai. Và trong những ngôi nhà gỗ, hệt như thuở xa
xưa, ánh đóm nhựa lại sáng lên, và các cô thôn nữ lại căng sợi trên các
khung cửi của tổ tiên họ. Tưởng chừng như thời gian đã lăn ngược trở
về những thế kỷ đã qua. Ấy là vào tiết mùa đông, khi cuộc cách mạng
thứ hai, cuộc cách mạng Tháng mười, đã bùng nổ...
Lúc bấy giờ, thành Pêterburg đói khát, bị các làng mạc ở xung quanh
cướp phá, bị gió bắc cực xuyên vào thấu xương thấu thịt, bị chiến tuyến
của địch vây kín, bị những cuộc âm mưu làm rung chuyển, một thành
phố không có than, không có bánh mì, bao nhiêu ống khói nhà máy đều
tắt ngấm, một thành phố giống như một bộ não người phơi trần ra, -
thành Pêterburg phóng ra xung quanh, qua những làn sóng điện của đài
phát thanh Txarxkôiê Xê-lô, những luồng tư tưởng cuồng dại, hung hãn
như những tiếng bom nổ.