Kulitsek cùng bạn bè kéo nhau đi xem cái cô Tsarôđôyeva ấy, nhưng đã
vỡ mộng: cô ta gầy như bộ xương, chỉ thấy toàn những váy đăng-ten,
bên trong lép kẹp.
Một hôm Đasa gặp Bexxônôv trong một cuộc triển lãm. Chàng đứng
cạnh một cửa sổ, lơ đãng giở xem tập danh sách trưng phẩm. Trước mắt
chàng là hai nữ sinh viên vóc người vậm vạp đang đứng nhìn chàng
chằm chặp như thể đứng xem một hình nhân trong phòng trưng bày
người sáp, trên môi đọng lại một nụ cười ngớ ngẩn. Đasa chậm rãi đi
qua, và sang đến phòng bên nàng ngồi xuống một chiếc ghế: chân nàng
bỗng dưng mỏi rã rời, và lòng nàng nặng trĩu.
Thế rồi Đasa mua một tấm bưu ảnh in chân dung Bexxônôv về đặt
trên bàn. Những bài thơ của Bexxônôv - ba tập mỏng bìa trắng - lúc
đầu đã khiến nàng có cảm giác như bị ngộ độc: suốt mấy ngày nàng cứ
đi vật vờ như người mất hồn, nàng cứ ngờ ngợ như mình đã liên lụy
vào một việc gì ám muội. Nhưng đọc đi đọc lại mãi, nàng dần dần thấy
thích thú với chính cái cảm giác bệnh tật này; cứ như thể có ai rỉ tai xui
nàng hãy tự buông xuôi, hãy để mặc cho mình rũ rượi ra, hãy phung phí
một cái gì quý giá, hãy khắc khoải nhớ nhung, khao khát một cái gì
không hề tồn tại.
Cũng vì Bexxônôv mà nàng bắt đầu đi dự những buổi "Dạ đàm triết
học". Bexxônôv thường đến muộn, và ít khi lên tiếng. Nhưng cứ mỗi
lần như thế Đasa đều ra về với một tâm trạng xao xuyến, và rất mừng
khi thấy ở nhà có khách. Lòng tự ái của nàng một mực lặng thinh.
Hôm nay, trong cảnh cô đơn, nàng ngồi lần trên phím đàn từng
phách nhạc của Xkryabin. Tiếng đàn, như những viên băng tròn, thánh
thót rơi vào lòng nàng, chìm sâu xuống một cái hồ tối tăm không đáy.
Rơi xuống hồ, những viên băng ấy làm xao động mặt nước, rồi chìm
nghỉm, trong khi nước hồ phập phồng dào dạt, và đâu đây, trong bóng
tối nóng rực, tim nàng đập rộn rã, hồi hộp tưởng chừng như chẳng mấy
chốc nữa, rất chóng thôi, ngay bây giờ, ngay giây lát này, sẽ xảy ra một
điều gì không thể có được.