Đasa tin từng lời từng chữ tất cả những điều Kulitsek nói với nàng:
các nhà ái quốc Nga, hay như hắn mệnh danh cho họ - các hiệp sĩ của
tinh thần, chiến đấu để vĩnh viễn quét sạch những mụ nhà quê láo xược
đem đổi khoai tây ở các chợ, để cho các phố phường Pêterburg lại sáng
trưng ánh điện và nhộn nhịp những đám người vui tươi, trang nhã, để
vào những phút buồn chán có thể đội chiếc mũ chụp cắm lông chim lên
đường sang Pari... Để cho bọn "cướp nhảy" không còn hoành hành ở
quanh công viên mùa hạ nữa. Để cho gió thu đừng gầm rít trên mộ đứa
con trai của nàng.
Tất cả những điều đó Kulitsek đều hứa hẹn với Đasa bên chén trà.
Hắn ăn khỏe như chó đói, hắn ngốn hết một nửa số đồ hộp dự trữ, ăn cả
bột sống với muối. Đến chặp tối hắn biến đi lúc nào không rõ, cầm theo
cả chìa khóa cửa.
Đasa đi ngủ. Nàng buông rèm cửa sổ, nằm xuống đi văng, và như
vẫn thường thấy trong những giờ mất ngủ nhọc nhằn, những ý nghĩ,
những hình ảnh, những kỷ niệm, những điều phỏng đoán đột ngột,
những nỗi day dứt đau đớn, cứ hiện lên loang loáng, chen lấn nhau,
đuổi theo nhau... Đasa trở nghiêng mình lại, đút tay xuống dưới gối,
nằm ngửa ra rồi lại trở sấp lại... Tấm chăn như nóng dẫy lên, mấy cái lò
so đi văng cứ chích vào hông, mấy tấm khăn lót giường cứ tuột xuống
đất...
Một đêm trằn trọc khổ sở, dài đằng đẵng như cuộc đời. Cái vệt thâm
thâm trong óc Đasa sinh động lên, đâm những múi rễ độc địa vào tất cả
những nếp nhăn sâu kín nhất của bộ não. Nhưng tại sao lại sinh ra
những nỗi day dứt, tại sao lại có cái cảm giác mình bất chính, mình có
tội? Giá hiểu được thì còn nói làm gì!
Rồi mấy tiếng sau, khi tấm rèm cửa sổ đã ngả sang màu lam, Đasa
mệt nhoài vì mải quay cuồng giữa điệu vũ quái đản của những ý nghĩ
ấy, nàng lả đi, tâm hồn nàng lắng xuống, và nàng kết tội mình từ đầu
đến cuối một cách giản dị và trung thực - nàng sổ toẹt cả con người
mình.