Pyavka còn kể nhiều chuyện nữa về quân du kích và về sinh hoạt ở
thôn quê. "Hết nạn này lại ách khác - cuộc sống của chúng tôi là như
thế đấy. Chúng nó đã đưa nông dân đến cái thế con sói bị dồn vào bước
đường cùng: chỉ còn một cách nhảy lên cắn cổ. Bản thân Pyavka là
người vùng Nêjin, trước đây đi làm ở nhà máy củ cải đường. Anh ta
mất một mắt thời Kêrenxki, trong cuộc tấn công tai hại hồi tháng sáu.
Anh ta thường nói: "Kêrenxki đã móc mất một mắt của tôi". Cũng vào
dạo ấy, dưới chiến hào, anh ta đã làm quen với những người cộng sản.
Pyavka bây giờ là ủy viên xô-viết Nêjin, có chân trong ủy ban cách
mạng, bí mật hoạt động tổ chức phong trào khởi nghĩa.
Câu chuyện của Pyavka kể làm cho Đasa rất xúc động. Có thể thấy
rõ rằng đó là chuyện thật, và tất cả các hành khách chú mục vào Pyavka
đểu hiểu thế.
Phần còn lại của ngày hôm ấy, và cả đêm hôm ấy nữa, đã làm cho
Đasa rất mệt. Nàng ngồi, chân thu gom lại dưới ghế, mắt nhắm nghiền,
và suy nghĩ mãi đến nhức cả đầu, đến tuyệt vọng. Có hai chân lý: chân
lý của người du kích chột mắt, của mấy người lính cựu ở mặt trận về,
của mấy người đàn bà có bộ mặt chất phác, mệt mỏi đang ngủ gật trên
toa, và cái chân lý mà Kulitsek lớn tiếng hô hào. Nhưng không làm gì
có hai chân lý. Một trong hai cái chân lý đó là một sai lầm khủng khiếp,
oan nghiệt, thảm hại...
Tàu đến Moxkva vào giữa trưa. Đasa lên một chiếc xe thuê cổ kính
của một người xà ích già. Con ngựa chạy nước kiệu lúp xúp đưa nàng
qua phố Myaxnitxkaia lầy lội và tồi tàn, hai bên chỉ trông thấy những
cửa hàng trống trải, bùn từ lòng phố bắn lên lấm tấm trên các cửa kính.
Quang cảnh hoang vắng của thành phố làm cho Đasa phải kinh ngạc,
nàng hồi tưởng lại cảnh Moxkva trong những ngày mà hàng nghìn
người cầm cờ vừa kéo đi từng đoàn trên những đường phố giá lạnh,
chúc mừng nhau về cuộc cách mạng không hề đổ máu.
Trên quảng trường Lubyanxkaia, gió tung lên những cột bụi xoáy
lông lốc. Hai người lính mặc áo sơ-mi không thắt nịt, cổ phanh ra, đang