Tôi chưa kịp làm gì thì nó đã làm tắt lửa, chảy xuống củi rồi trở thành
rãnh suối nhỏ xanh lục trên cát. “Bà chủ Koto! Lửa tắt rồi!” Tôi gọi.
Bà chạy đến, nhìn bếp, thấy cháo chảy thành vệt trên cát như kiểu
nhuộm vải loang liền nói: “Mày làm gì nó vậy?”
“Đâu có.” Bà cúi xuống khơi lửa cho cháy lại. Tôi nhìn mấy ngấn thịt
mềm trên cổ bà. Bà đứng lên. “Đừng đụng vô nó,” bà nói, định quay
về phòng thì chúng tôi nghe tiếng hỗn loạn ở trước quán. Hai ông,
một ông mập có cái cổ băng bó, ông kia to lớn, chống một cây gậy
xanh lam đang đập cửa quán liên tục. “Bà chủ, không mở cửa hả? Tụi
tôi muốn chút rượu cọ với cháo tiêu nổi tiếng của bà.”
“Chưa mở cửa,” bà nói. “Lát nữa hẵng đến.” Họ có vẻ thất vọng, càu
nhàu về chuyện sao người ta không làm ăn nghiêm túc. Nhưng họ đi.
“Lũ phiền toái,” bà nói, rồi đi tắm như thường lệ trước khi bắt đầu có
khách chiều.
Tôi trông vạc cháo. Tôi nóng nực do sức nóng của lửa và cái nắng
hỏa ngục. Tôi phát chán vạc cháo, nó sôi hoài chẳng có gì đáng nói,
chẳng sùi bong bóng nữa mà hình như cũng chẳng còn con quỷ nào
nữa. Thỉnh thoảng, một vị khách nóng nảy quay lại, đập cửa rầm rầm,
tôi phải ra bảo họ quán vẫn chưa mở cửa. Họ có vẻ khát khô cổ, lưỡi
lè ra lúc trừng trừng nhìn tôi. Lát sau, khi tôi chắc rằng vạc cháo
không sao nữa, tôi lang thang ra lối mòn để dịu bớt bồn chồn.
Đều đặn, ngày qua tháng lại, các lối mòn đã được mở rộng. Các bụi
cây đã bị đốt, mấy rặng cỏ cao đã sạch trơn, các gốc cây bị bứng. Xứ
sở này đang thay đổi. Những nơi dày đặc bụi rậm và cây cối sát rạt
giờ trở thành các không gian rộng trải cát sông mềm. Từ xa, tôi nghe
được tiếng nạo vét của máy móc, của thợ làm đường, người phá rừng
và các công nhân đang hò dô trong lúc căng gồng cơ bắp. Mỗi ngày
khu này như khác hẳn đi. Nhà cửa xuất hiện ở nơi từng là rừng.
Những chỗ con nít hay chơi và chạy trốn giờ là những đống cát, và