mỏi, làm việc quá sức, vẻ xương xẩu của khuôn mặt và những biểu
hiện lo lắng trên trán đều biến mất. Khuôn mặt bà rạng rỡ tươi trẻ với
son môi và bóng mắt. Màu da bà được làm dịu đi với phấn nền và
phấn hồng. Tôi dường như trông thấy mẹ của ngày xưa, một cô gái
với nét đẹp hồn nhiên khiến cho bầu không khí của ngôi làng rạng rỡ
hẳn lên khi lần đầu ba để mắt đến mẹ. Giờ trông bà thật lộng lẫy, mỗi
chuyển động như ướp thơm căn phòng bằng nước hoa rẻ tiền. Mồ hôi
chảy xuống khuôn mặt phấn của bà, mắt bà ngời lên niềm phấn khích.
Bà khều ba làm ông giật mình dậy, mắt ông đỏ ngầu và sưng lên, nách
áo ướt đầm mồ hôi.
“Đàn bà mấy người lâu lắc quá,” ba nói.
“Mình có thể nghèo, nhưng không được xấu xí,” mẹ nói.
Ba tỉnh dậy trong trạng thái tươi tỉnh, dụi mắt, nốc một ngụm
ogogoro, cấm tôi ra ngoài, rồi lồng cánh tay mình vào cánh tay mẹ, và
trong tấm tranh hạnh phúc lứa đôi, họ bước ra thế giới.
Đợi đến khi họ khuất hẳn, tôi ngồi dậy, rót một ít ogogoro uống rồi ra
lối đi quan sát đời sống trưa chủ nhật hối hả ở khu nhà.
Trời đổ về chiều, bọn trẻ đang la hét trong khu nhà bắt đầu ho. Đàn
ông đàn bà xếp hàng bên ngoài nhà vệ sinh, mọi người than thở
chuyện cái bụng. Mấy phụ nữ gập người, khổ sở ngồi trên ghế đẩu
bên ngoài phòng mình. Một ông thở hổn hển rồi ói cạnh giếng. Đám
đàn bà kêu thét rằng họ bị bỏ độc, rằng họ bị cấu xé cồn cào trong
ruột. Bọn trẻ làm khô héo buổi chiều bằng trạng thái bừng bừng tím
tái trong tiếng khóc thút thít. Sau đó cơn dợm ói bắt đầu.
Người ở trọ ai cũng bị bệnh, khi đi ngang tôi, họ nhìn tôi chòng chọc
như thể tôi có trách nhiệm trong căn bệnh tập thể này. Mọi niềm vui
và sự thoải mái của ngày chủ nhật nhường chỗ cho tiếng rên rỉ, khóc