Những cuộc cải cách, những chiến dịch nặng về hình thức, không đi vào
thực chất có thể kể ra vô số. Đều là những điều “biết rồi, khổ lắm nói mãi”
mà không có cách giải quyết hữu hiệu. Những cuộc cải cách hô hào từ năm
này qua năm khác như những cuộc chạy Marathon đường dài không biết
bao giờ mới tới đích. Tệ nạn tham nhũng, trì trệ của bộ máy hành chính
khiến các nhà đầu tư mất lòng tin. Những doanh nghiệp đã có chút thành
công hết động lực và không muốn đi xa hơn vì không thể lường hết điều gì
đang đợi phía trước. Những doanh nghiệp chưa thành công thì ngần ngại
với vô số chông gai của cửa ải hành chính mà họ phải vượt qua.
Người có tiền nhàn rỗi mua vàng, mua đất, mua ngoại tệ mạnh cất trữ mà
không muốn đầu tư. 75% dân số sống ở nông thôn với khoảng một phần tư
trong số đó là thất nghiệp và chưa nhìn thấy lối thoát. Số còn lại làm việc
một cách cầm chừng, khép kín, khuất bóng dưới lũy tre làng. Cải cách,
chiến dịch nhiều nhưng kết quả thu được là không đáng kể mà kết cục của
môi trường đầu tư vẫn đứng thứ 77 trên 104 nước trên thế giới. Tiềm lực
đất nước vẫn ngủ mơ màng, việc đánh thức chưa được bao nhiêu, trong khi
đó, với xuất phát điểm thấp như hiện nay, không cho phép chúng ta bình
chân như vại nhìn những làn sóng đầu tư ầm ầm chuyển động vào các nước
khu vực.
2- Tham nhũng
Tham nhũng là hiện tượng chỉ có trong khu vực giao tiếp giữa chính quyền
và xã hội công dân tức là giữa nhà nước với người dân. Nhờ quyền thế của
mình, viên chức nhà nước có thể trục lợi bất chính mà người dân khó thoát
được vì quyền uy của nhà nước. Các định chế quan tâm đến việc nâng cao
mức sống đều đánh giá tham nhũng là trở ngại lớn nhất cho hai lãnh vực
phát triển kinh tế và phát triển xã hội.
Nó phá hoại nền tảng luật pháp theo lối các cụ ngày xưa gọi là "đồng bạc
đâm toạc tờ giấy" vì gây lệch lạc trong việc áp dụng luật lê. Nó làm suy yếu
các định chế và cơ quan cần thiết cho phát triển, và khiến tài nguyên quốc