với cơn chảy máu cam, rồi chậm chạp đứng dậy, vo tròn chiếc khăn mùi
soa đã lốm đốm những vệt máu đỏ tươi nhét vào túi. Khi đến được
quầy lễ tân, ông chìa cho Caroline xem một tấm ảnh đóng khung bằng
giấy bồi màu xanh sẫm. Đó là một bức chân dung đen trắng, hơi ố
vàng. Người phụ nữ trong ảnh mặc một chiếc áo len màu hồng đào
nhạt. Mái tóc của bà hơi gợn sóng, đôi mắt mang màu xanh sâu thẳm.
Vợ Rupert Dean, Emelda, mất đã hai mươi năm nay. “Bà ấy là tình yêu
của đời tôi,” ông tuyên bố với Caroline, to đến mức mọi người ngẩng
đầu hết cả lên.
Cửa ngoài phòng khám bật mở, đập lạch cạch vào cánh cửa ốp kính
phía trong.
“Bà ấy thật đáng yêu,” Caroline nói. Tay cô run rẩy. Bởi vì cô xúc
động trước tình yêu và nỗi đau của ông, bởi vì chưa từng có ai yêu cô
tha thiết đến thế. Bởi vì cô đã gần ba mốt tuổi, và nếu cô có chết ngay
ngày hôm sau, sẽ chẳng có ai thương xót cho cô như Rupert Dean vẫn
thương xót người vợ của ông sau hơn hai mươi năm trời. Chắc chắn là
cô, Caroline Lorraine Gill, cũng đặc biệt và xứng đáng có được tình yêu
như người phụ nữ trong tấm ảnh của ông, dẫu vậy cô vẫn chưa tìm ra
cách nào để có thể bộc lộ điều đó, cả mưu mẹo hay tình yêu hay thậm
chí là thiên hướng mạnh mẽ đối với công việc của cô đều không thể.
Cô vẫn còn đang cố gắng trấn an bản thân thì cánh cửa giữa tiền
sảnh và phòng chờ bật mở. Một người đàn ông bận chiếc áo choàng vải
tuýt màu nâu đứng ngập ngừng ở ngưỡng cửa trong giây lát, mũ cầm
tay, mắt dò xét lớp giấy dán tường thô ráp màu vàng, cây dương xỉ đặt
ở góc phòng, chiếc giá kim loại đựng đầy tạp chí cũ. Anh có mái tóc
nâu hơi ngả màu hung đỏ và gương mặt xương xương, vẻ mặt chăm
chú, thận trọng. Anh không có gì nổi bật, nhưng có gì đó trong thái độ,
cử chỉ của anh – một sự tỉnh giác kín đáo, một khả năng lắng nghe đặc
biệt – đã tách anh khỏi những người khác. Trái tim Caroline đập rộn
ràng và cô thấy da sởn gai ốc, một cảm giác vừa dễ chịu vừa đáng ghét,