dưỡng ở Louisville, và thôi không ghé thăm nữa. Kể cũng lạ, khi Norah
mang bầu, mọi chuyện thay đổi hẳn. Bree lại xuất hiện, mang tới
những món đồ kết ren và vòng cổ chân bằng bạc nhập khẩu từ Ấn Độ;
cô tìm thấy mấy món này trong một cửa tiệm ở San Francisco. Cô còn
mang tới từng tập giấy nến in những lời khuyên về phương pháp cho
con bú khi nghe tin Norah tính không dùng tới sữa ngoài. Khi ấy, Norah
thực sự mừng rỡ khi được gặp cô. Mừng vì những món quà vừa dễ
thương vừa thiếu thực tế, mừng vì sự hỗ trợ của cô. Vào năm 1964, cho
con bú sữa mẹ là một việc làm táo bạo, và nàng hầu như không tìm
được những thông tin mình cần. Bà mẹ của họ từ chối bàn luận về ý
tưởng này; còn mấy bà mấy chị trong tổ khâu vá của nàng thì kêu rằng
họ sẽ mang ghế vào phòng tắm ngồi để nàng được thoải mái cho con
bú. Nghe chuyện, Bree đã làm nàng thấy nhẹ nhõm biết bao khi hét ầm
lên.
Mấy bà hay làm bộ quá đấy! Cô chì chiết. Kệ họ đi chị.
Tuy vậy, dù biết ơn sự hỗ trợ của Bree, đôi khi Norah vẫn có cảm
giác bất an. Trong thế giới của Bree, thế giới dường như chủ yếu tồn tại
ở một nơi nào đó khác, ở California, Paris hay New York, những người
phụ nữ trẻ có thể để ngực trần dạo bộ quanh nhà, chụp những bức ảnh
của chính mình với đứa bé kề sát bộ ngực đồ sộ, viết những bài báo cổ
động cho giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ.
Chuyện đó là hoàn toàn tự
nhiên; nó tồn tại trong bản năng của chúng ta, loài động vật có vú.
Bree lý luận, nhưng chỉ riêng cái ý nghĩ coi bản thân mình như động vật
có vú, bị chi phối bởi bản năng và được mô tả bằng những từ ngữ kiểu
như bú mớm (nàng thấy nghe cũng na ná như thú tính, đã hạ thấp một
hình ảnh cao đẹp xuống ngang tầm với một trại súc vật), đã khiến
Norah đỏ bừng mặt và chỉ muốn biến ngay khỏi phòng.
Giờ Bree đã trở lại, trên tay bưng một khay đầy cà phê, bánh mì
tươi, bơ. Mái tóc dài của cô xõa xuống bờ vai khi cô nghiêng người đặt
chiếc cốc cao đầy nước mát lạnh lên chiếc bàn kê cạnh Norah. Cô bỏ