Tôi nhớ một chuyện đùa về cuộc sống ở một làng quê lạc hậu, khi bạn
chẳng có việc gì để làm, bạn có thể làm cho mình trở nên bận rộn bằng
cách mang gạo ra nhặt bọ mọt. Một lần tôi đã phì cười khi nghe nói thế.
Bây giờ tôi thấy nó mới đúng làm sao chứ!
Ông Vệ vẫn tiếp tục hát rống lên bài hát cổ lỗ của ông trong khi xe
chúng tôi đi qua sân chung của làng. Rồi chúng tôi đi sang địa phận của
khu Đầu Heo. Chúng tôi đi qua những khuôn mặt cũ kỹ nghe tiếng chào thô
ráp và khô nồng vì bụi của họ. Khi xe bò đến gần cái khúc cua vào nhà tôi,
tim tôi nhảy lên thình thịch. Tôi nhìn thấy cái cổng ra vào của gia đình, cái
cổng có mái che với những cái cột gỗ tróc sơn, cặp liễn đỏ đã phai màu treo
ở hai trụ cổng.
Nhưng ngay khi mở cổng trái tim tôi đã trở về vị trí cũ và trong tôi
tràn ngập niềm mong mỏi được gặp lại dì Báu, chắc là dì phải sung
sướng khi thấy tôi trở về. Dì đã khóc lúc tôi ra đi. Tôi chạy ào vào trong
sân kêu toáng lên "Con đã về nhà! Con đã về nhà rồi!" Tôi đi vào xưởng
mực nơi tôi gặp mẹ và Cao Linh. "Sao về sớm thế?" mẹ hỏi không buồn
ngừng tay làm việc. "Bà Lẩu gửi cho mẹ một lá thư cho biết cuộc gặp gỡ
tốt lắm, và nhà Trương chắc chắn sẽ xin cưới con".
Tôi nóng ruột muốn kể ngay cho họ nghe về các cuộc phiêu lưu của
tôi, về những điều vui thú mà tôi đã tận hưởng. Nhưng mẹ đã chặn tôi lại
"Nhanh lên, rửa ráy đi rồi giúp em con và mẹ một tay nghiền chỗ bột này".
Còn Cao Linh nhăn mũi nói "Cho! Chị bốc mùi như cái đít con heo ấy".
Tôi đi vào buồng ngủ của tôi với dì Báu. Mọi thứ vẫn nguyên chỗ cũ,
cái mền gấp lại để cuối chân giường. Nhưng dì không có mặt ở trong
buồng. Tôi đi từ buồng này sang buồng khác, từ góc sân này sang góc sân
kia. Mỗi một phút qua đi tôi lại càng nóng ruột muốn gặp dì.