con chó phản chủ mà. Ngày hôm sau, gia đình tổ chức một bữa tiệc, những
món ăn ngon nhất mà chúng tôi không bao giờ được ăn lại trong đời.
Nhưng chẳng có ai trừ bọn trẻ nhỏ cảm thấy ngon miệng. Mẹ cũng thuê
một người chụp ảnh, để chúng tôi có thể nhớ cái ngày mà chúng tôi được
no xôi chán chè. Mẹ muốn chụp một tấm hình chỉ có mẹ và Cao Linh.
Nhưng vào phút chót Cao Linh nằng nặc kêu tôi đến đứng cạnh mẹ, bà
không bằng lòng nhưng cũng không nói gì. Ngày hôm sau cha và hai chú
tôi lên Bắc Kinh nghe ngóng tình hình về bồi thường thiệt hại. Khi họ đi rồi
chúng tôi học làm quen với việc ăn cháo với một vài món đô nguội. Ham
muốn ít, tiếc nuối ít, đó là phương châm của mẹ. Khoảng một tuần sau, cha
tôi trở về đứng giữa sân rống lên như một người điên.
"Làm một bữa tiệc nữa đi!"
Rồi đến các ông chú tôi nhao nhao "Vận xui của chúng ta đã hết!
Không phải bồi thường! Đó là quyết định của quan toà, không một xu bồi
thường!"
Chúng tôi ùa về phía họ, phụ nữ, trẻ con, người thuê nhà và bầy chó.
Sao có thể như vậy được? Chúng tôi há hốc mồm lắng nghe cha giải thích.
Khi chủ hiệu của hai tiệm bên cạnh mang bản kê khai thiệt hại lên trình,
quan toà phát hiện ra rằng một người có những cuốn sách lấy cắp của
trường Hán Linh ba mươi năm về trước. Còn cửa hiệu tuyên bố những bức
tranh và bút tích nổi tiếng lại chỉ bán đồ giả. Thế là quan toà phán quyết lửa
đã trừng phạt hai kẻ lừa đảo.
"Pháp sư nói đúng" cha kết luận. "Con ma đã cuốn gói rồi". Tối hôm
ấy ai ăn cũng ngon miệng trừ tôi. Người ta cười nói rộn rã, mọi lo âu đã
tiêu tan. Người ta dường như quên rằng những thỏi mực của chúng tôi trở
lại thành chính nó, than đá, rằng tiệm mực cũng chỉ là đám tro tàn bay đi.
Người ta bàn tán rằng vận may của gia đình đã quay trở lại vì bây giờ dì
Báu đã bị nhốt vào trong một lọ dấm chua lòm.