"Thật uổng là" người kia chen thêm, "hầu hết trẻ mồ côi ở đây đều ít
tuổi hơn em".
Khi họ hỏi tuổi tôi, tôi vẫn chưa thể mở miệng được, tôi dùng ngón tay
vẽ mấy chữ trong không khí. Họ trao đổi với nhau bằng tiếng Anh.
"Em có biết đọc không?" một người hỏi, chỉ vào những hàng chữ tiếng
Hoa.
"Ăn cho no đừng để dành" tôi đọc.
Một bà đưa cho tôi một cái bút chì và một tờ giấy. "Em có thể viết
những chữ kia ra giấy không?" Tôi làm theo, cả hai cùng reo lên. "Cô bé
thậm chí còn không buồn nhìn lại mặt chữ một lần nào." Nhiều câu hỏi nữa
được đặt ra. Tôi có thể dùng bút lông không? Tôi đã đọc những sách nào?
Cuối cùng họ lại nói chuyện với nhau bằng tiếng của họ rồi tuyên bố là tôi
có thể ở lại.
Sau đó tôi được biết rằng tôi được đón nhận vừa với tư cách một học sinh
với với tư cách một giáo viên phụ giảng. Chỉ có bốn giáo viên là những học
sinh cũ, bây giờ sống ở một trong 36 phòng trong cả cái tu viện bỏ hoang
này. Thầy giáo Phan dạy những đứa trẻ lớn. Tôi là người phụ giảng của
ông. Khi ông còn là một học trò, năm mươi năm về trước, thì trường học
chỉ có nam sinh. Cô giáo Hoàng dạy những bé gái ít tuổi hơn, và người chị
goá của bà – chúng tôi gọi là Má Hoàng – chăm sóc những đứa bé nhất
trong nhà trẻ. Có những bé gái lớn hơn giúp bà chăm sóc chúng. Cuối cùng
là chị Dư, một người đàn bà thấp bé có cái lưng hơi bị gù, bàn tay thô ráp
và cái giọng gay gắt. Chị ta chịu trách nhiệm về vệ sinh, trật tự và chấn
chỉnh hành vi của bọn học trò trong trại mồ côi. Ngoài việc lên lịch phân
công nhiệm vụ và việc tắm táp của từng người trong một tuần thì chị Dư
thích lãnh đạo người nấu bếp và bà vợ của ông ta.