chữa chạy cho anh. Kết quả là anh đã qua khỏi, chỉ hơi bị thọt và một bên
vai bị lệch nhẹ. Sau đó những người truyền giáo đã giúp anh được vào học
ở một trường đại học nổi tiếng ở Bắc Kinh để trở thành một nhà địa chất.
Sau khi mẹ mất anh trở về nhà để chăm sóc cha già và làm việc tại mỏ.
Hàng ngày anh đạp xe đạp từ trại mồ côi ra mỏ và trở về, đạp xe thẳng đến
cửa lớp học của cha anh. Thầy Phan sẽ nhảy lên yên sau xe rồi con trai ông
đạp ra khỏi lớp đến dãy cuối tu viện, bọn học sinh và các giáo viên sẽ nói
với theo.
"Cẩn thận kẻo ngã!"
Chị Dư hết lòng ngưỡng mộ anh Tĩnh. Một lần chị đưa anh ra làm
gương và nói "Nhìn coi đấy! Các em thấy các em có thể đặt cho mình một
mục tiêu giúp đỡ người chung quanh còn hơn là trở thành một gánh nặng
cho người khác". Một lần khác tôi nghe chị nói "Thật là một chuyện đau
lòng khi một chàng trai anh tuấn như vậy chân hơi bị thọt!" có lẽ chị nói
vậy để an ủi học trò nhưng trong suy nghĩ của tôi chị quan tâm đến nỗi đau
của mình nhiều hơn những chuyện khác đơn giản chỉ bởi vì anh sinh ra rất
đẹp trai. Sao chị Dư cũng như những người khác có thể nghĩ thế được? Giả
sử một người giàu có mất của thì điều đó có đáng sợ hơn một người nghèo
mất của sao?
Tôi hỏi một cô gái lớn hơn về điều này, cô ta đáp "Một câu hỏi ngớ ngẩn.
Tất nhiên rồi! một người đẹp trai và giàu có sẽ mất nhiều hơn chứ." Tuy
vậy điều đó hình như không ổn đối với tôi. Tôi nghĩ đến dì Báu. Cũng
giống như Khải Tĩnh, dì sinh ra với một vẻ đẹp ngời ngời và sau đó cả
khuôn mặt của dì bị huỷ hoại. Tôi nghe mọi người nói đi nói lại một điều.
"Thật là kinh khủng khi mang một khuôn mặt như thế. Chẳng thà cô ấy
chết quách còn hơn!". Tôi có cảm thấy như thế nếu tôi không yêu thương dì
không? Tôi nghĩ đến cô gái ăn mày mù loà. Ai là người sẽ nhớ thương cô
ấy?