"Em cũng bảo cha mẹ là em chạy từ nhà ga ở Chu Khẩu đi tìm chị.
Em khoe rằng bây giờ chị đã là một trí thức đang làm việc cùng với các nhà
khoa học và sẽ cưới một nhà khoa học nay mai".
Tôi rất mừng là cô đã nói thế. "Vậy cha mẹ có tiếc về chuyện họ đã
làm với chị không?"
"Ha! Họ tự hào về chị. Mẹ nói rằng, ta bao giờ cũng biết là mình đã
đối đãi với nó tử tế. Bây giờ thì con thấy kết quả đó."
Những giọt sương sớm hoá ra sương giá và vào mùa đông chúng tôi tổ
chức đám cưới theo hai phong tục Mỹ và Hoa. Theo phong tục Mỹ cô
Grutoff tặng tôi một chiếc áo dài trắng muốt mà cô đã may cho đám cưới
của mình nhưng không bao giờ mặc tới. Người yêu của cô chết trong thế
chiến, vì thế đó là một cái áo cưới xui xẻo. Nhưng cô đã long lanh những
giọt lệ vui sướng khi cô trao tặng nó cho tôi, sao tôi có thể lắc đầu từ chối?
Trong đám cưới truyền thống tôi mặc một kỳ bào màu đỏ khăn trùm đầu là
do Cao Linh thêu.
Bởi vì Cao Linh thông báo với gia đình về đám cưới của tôi, tôi buộc
phải mời họ cho phải lẽ. Tôi hy vọng là họ sẽ viện cái cớ rất tiện lợi là
chiến tranh để không đi dự. Nhưng tất cả mọi người đều kéo đến, cha, mẹ,
chú, thím, con cái họ và cả cháu nôi cháu ngoại nữa. Chẳng có ai đề cập
đến sự việc đã qua mà tất cả mọi người đều biết rõ. Thật là một khoảnh
khắc ngượng ngùng với tất cả. Tôi giới thiệu cha mẹ là hai bác, một điều
hoàn toàn đúng nếu tính đến cái sự thật là tôi là một đứa con của tình yêu
nhưng lại không có một sự tuyên bố chính thức về danh phận. Hầu hết mọi
người trong trường tỏ ra rất lịch thiệp với họ nhà gái. Tuy vậy, chị Dư nhìn
họ chê trách. Chị làu bàu với Cao Linh cố để cho mẹ nghe thấy "Họ đã tống
cổ cô ấy đi, và bây giờ lại vục miệng xuống bàn ăn của cô ấy". Suốt cả
ngày hôm đó tôi cảm thấy rất bối rối – hạnh phúc trong tình yêu, giận dữ