quả". Dì Báu cũng đã có lần nói những điều ấy một cách tương tự. Con
phải nghĩ về nhân cách của con. Phải biết chỗ nào con đang thay đổi, con sẽ
biến cải như thế nào và cái gì không bao giờ có thể sửa chữa được. Dì đã
nói thế trong lần đầu tiên tôi học mài mực. Dì cũng nói thế khi dì giận tôi
trong những ngày cuối cùng hai người sống bên nhau. Và khi tôi nghe thầy
Phan nói thế, tôi hứa với mình là tôi sẽ thay đổi và trở thành một người con
ngoan hơn.
Có quá nhiều thay đổi đã diễn ra, ước gì dì Báu có thể chứng kiến
cuộc sống êm đẹp của tôi. Tôi là một cô giáo và một phụ nữ có chồng. Tôi
có cả chồng và có cả một người cha. Họ là những người tốt chứ không như
gia đình bên chồng của Cao Linh, nhà họ Trương. Gia đình của tôi trung
hậu và thành thật với mọi người, vẻ đẹp bên trong cũng cao quý như họ
biểu lộ ra bên ngoài. Dì Báu đã dạy dỗ tôi rằng đó mới là điều quan trọng.
Phong cách bên ngoài tốt đẹp là chưa đủ, dì nhấn mạnh, nó không giống
với một tấm lòng nhân hậu. Dù dì Báu đã ra đi, trong suốt những năm qua
tôi vẫn nhớ lời dì, trong lúc buồn cũng như vui, chỉ điều đó là quan trọng.
Sau khi quân Nhật tấn công Chu Khẩu, Cao Linh và tôi trèo lên đỉnh
đồi nơi chúng tôi có thể nghe tiếng súng ì ầm từ đàng xa, chúng tôi nhìn về
hướng có những đụn khói bốc lên. Chúng tôi nhận ra lối di chuyển của xe
thồ và xe tải dọc các con đường. Cao Linh nói đùa rằng chúng tôi còn mang
tin nhanh hơn cái radio cà khổ mà Khải Tĩnh và cô Grutoff ngồi cạnh hàng
nửa ngày hy vọng nghe được tin tức gì đó từ những nhà khoa học đã đến
Bắc Kinh. Tôi không hiểu tại sao họ lại muốn cái radio nói chuyện lại với
họ. Nó chỉ nói toàn những chuyện xấu – thành phố nào bị chiếm đóng, gần
như tất cả mọi người ở chỗ này, chỗ kia bị giết ra sao để dạy cho mọi người
một bài học là đừng đánh nhau với quân Nhật.
"Bọn Nhật sẽ không thắng ở đây đâu", Cao Linh nói vào một buổi tối.
"Chúng có thể nhanh nhẹn trên biển, nhưng ở địa hình núi non này chúng
sẽ mắc bẫy như những con cá giãy giụa trên cát. Trong khi đó người của