chúng tôi có thể trông đợi, điều mà chúng tôi phải tạ ơn và ghi nhớ suốt
đời.
Ngay cả trong lúc chiến tranh và đói kém, người ta vẫn cần đến ca
múa nhạc kịch. "Chúng là ngôn ngữ và âm nhạc của tâm hồn". Khải Tĩnh
bảo tôi thế. Mỗi chiều chủ nhật bọn học trò biểu diễn cho chúng tôi xem, và
chúng trình diễn với tất cả nhiệt tình. Nhưng thành thực mà nói, diễn xuất
và âm nhạc cũng chẳng có gì hay ho, đôi khi phải vừa nhìn vừa nghe những
màn ấy là cả một sự buồn chán và chúng tôi quả cũng là những nghệ sĩ xuất
sắc khi giả vờ rằng đó là một niềm vui không gì so sánh được. Thầy Phan
bảo tôi rằng những vở kịch đó cũng dở như vậy khi tôi còn là học sinh và
tham gia biểu diễn. Bao nhiêu nước chảy qua cầu rồi nhỉ? Bây giờ cô
Towler đã còng lưng xuống và cũng thấp bé như là chị Dư, khi bà chơi
piano mũi bà gần chạm phím đàn. Thầy Phan bị bệnh đục mắt và lo rằng
chẳng bao lâu nữa thầy không còn có thể viết được nữa.
Mùa đông đến, chúng tôi nghe đồn rằng có nhiều người cộng sản bị
bệnh và chết vì bệnh dịch trước khi có dịp bắn một phát súng. Quân Nhật
có nhiều thuốc men, quần áo ấm và chúng cướp thức ăn cũng như hàng tiếp
tế từ các thôn làng mà chúng chiếm đóng. Với một số ít quân cách mạng
chiếm giữ các ngọn đồi, quân Nhật bắt đầu tiến lên cao, đi đến đâu chúng
đốn cây đến đấy thế là không ai có thể ẩn náu và trốn tránh. Bởi vì chúng
đến gần hơn, chúng tôi không còn an toàn xuống núi mua thức ăn nữa.
Tuy vậy Khải Tĩnh và đồng nghiệp của anh vẫn tiếp tục xuống mỏ.
Điều này làm cho tôi phát điên lên vì lo lắng. "Đừng đi" tôi thường năn nỉ
anh "Những cái xương ấy đã nằm đây hàng triệu năm rồi, chúng có thể chờ
cho đến khi chiến tranh kết thúc". Cái mỏ này là nguyên nhân duy nhất
trong những cuộc cãi vã của chúng tôi và đôi khi nhớ lại những điều này tôi
thấy lý ra tôi phải tranh luận với anh gay gắt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa
cho đến khi anh thôi không xuống mỏ nữa. Nhưng rồi tôi lại biết rằng,
không, tôi không nên cự nự anh quá nhiều về chuyện đó hay là không nên