Khi chúng tôi đến Bắc Kinh, tôi nhìn qua cửa sổ toa xe thấy Cao Linh
ra đón. Cô nheo mắt để chắc chắn rằng đó là tôi đang bước ra khỏi toa tàu.
Cô từ từ đi đến gần, đôi môi của cô ngoạc ra vì kinh hãi. "Có chuyện gì xảy
ra với chị vậy?" Tôi ho ra một ngụm máu lần cuối rồi nhổ vào khăn tay. "Ối
trời!" cô kêu lên, nhảy giật lùi về phía sau.
Tôi cho cô xem phích nước đựng "chất nước đuổi quân Nhật". Rồi tôi
ôm bụng cười và không thể ngừng lại được. Tôi hạnh phúc như điên, một
sự phấn khích lạ lùng vì được giải thoát.
Cao Linh than phiền "Suốt thời gian qua em lo phát điên phát dại lên
còn chị thì ở đấy bày trò đùa".
Chúng tôi xếp đặt bọn nhỏ vào nhà các cựu học sinh của trường.
Trong những năm qua một số đã lấy chồng, một số chết đi, một số đến
thăm chúng tôi như những bậc cha mẹ danh dự của họ. Cao Linh và tôi
sống ở mấy phòng phía sau hiệu mực cũ ở khu bán hàng sứ. Thầy Phan và
chị Dư cũng ở cùng với chúng tôi. Còn về chồng của Cao Linh, tất cả
chúng tôi đều hy vọng là hắn đã ngủm.
Tất nhiên việc gia đình họ Trương làm chủ hiệu mực này làm tôi tức
tối không thể tưởng tượng được. Kể từ ngày dì Báu chết đi, tôi đã không
nghĩ nhiều về ông chủ trại hòm này. Bây giờ ông ta lại là người ra lệnh cho
chúng tôi bán nhiều mực hơn và phải bán nhanh hơn. Người đàn ông quỷ
quyệt này đã giết ông ngoại tôi, cha tôi, gây cho dì Báu quá nhiều đau khổ
đến nỗi dì phải tự kết liễu cuộc đời. Nhưng lúc ấy tôi nhận ra nếu một
người muốn đánh trả, cô ta phải gần gũi với người mà cô ta muốn trả thù.
Tôi quyết định sẽ sống ở hiệu mực bởi vì điều ấy rất có lợi, trong thời gian
đó tôi sẽ nghĩ ra cách trả thù.
May mắn sao ông Trương không bận tâm đến chúng tôi bằng
việc buôn bán của ông ta. Công việc làm ăn tốt hơn trước lúc chúng tôi đến