chuồng lợn, em nằm nép mình dưới bụng con lợn nái trắng ngần
mà chẳng sợ nó cắn em. Mặc ông Mã loay hoay trong bóng tối trên
giường. Mã vừa kịp xỏ cái quần lót, đội dân quân tự vệ ập tới. Đèn
măng sông, bác ruột em thắp sáng, rõ như ban ngày. Người ta nhận
ra ông Mã. Người nọ đùn đẩy người kia. Bác em quát:
- Các anh làm việc vì dân hay vì thằng ác nhân Tần Thủy
Hoàng? Các anh có lập biên bản hay để tôi làm tường trình đưa lên
huyện?
Bác em ra tay viết biên bản, đề nghị từng người ký tên xuống
dưới.
Chó sủa váng trời, dân làng mất ngủ chạy tới xem. Vợ ông Mã
cũng chạy đến, bà ấy nín lặng, đưa quần áo cho chồng mặc.
Nhưng đến lúc bác em bắt ông Mã phải ký vào biên bản, bà ta bật
khóc như phân bua với bàn dân thiên hạ:
- Bao nhiêu năm vào sinh ra tử, dốc dạ dốc lòng vì nước vì dân,
giờ thiêu đốt, chết gục bởi một con đàn bà. Khổ quá mình ơi. Nhục
quá mình ơi! Thế là mất hết tất cả rồi!
Dậu đổ bìm leo, thế là từ cái đêm hôm đó, cái đêm Mã bị bắt quả
tang, người ta thi nhau kiện, thi nhau tố cáo ông ta. Đoàn thanh tra
ty nọ ty kia nườm nượp về làng. Kế toán, thủ quỹ, thủ kho đục nước
béo cò ăn ruỗng tài sản công nhưng trên văn bản giấy tờ đều có chữ
ký duyệt của chủ nhiệm, chủ tịch xã Mã.
Em không bênh ông ta đâu mà sự thật tuy quyền sinh quyền sát
trong tay nhưng Mã không hề vụ lợi tơ vương tham nhũng thứ gì.
Điểm yếu của ông ta là vô sản, là dâm tặc.
Từ nông dân mà lên, nên ông ta hiểu dân, thương dân, hết lòng vì
nông dân.