Bố tôi hưởng thọ chín mươi tuổi.
Bố mất. Nghĩa là bố đã hoàn thành vai diễn của mình. Vai diễn
trong vở kịch “Gia đình tôi”. Vở diễn “Gia đình tôi” bố tôi là nhân vật
trụ cột, mẹ cả mẹ hai là hai nhân vật chính. Cô Tỏi, và nhiều cô khác
trong “Ban chấp hành thủ trưởng” là những nhân vật tô điểm. Tôi,
chính tôi, dù được sống cùng bố cùng mẹ nhưng tôi cũng chỉ là một
nhận vật phụ. Tôi may mắn hơn con cô Tỏi, tôi ghét bố nhưng
không đến mức căm thù.
Đám ma bố tôi cả làng háo hức kéo nhau đến. Nghĩa tử là nghĩa
tận. Người ta đến không chỉ để đưa tiễn bố tôi về nơi an nghỉ cuối
cùng. Người ta đến còn là để được tận mắt đếm xem có bao nhiêu
đứa con hoang dám đến chịu tang cha. Họ chen nhau tới gần để
nghe rõ tiếng than khóc, họ điểm danh kháo nhau còn thiếu con
nhà này nhà nọ không đến để tang cha.
Cha tôi có ý nguyện khi chết chôn cạnh mộ ông Hạnh. Hai người
đàn ông làm nên cuộc đời mẹ. Sau này mẹ cũng nằm cạnh đó luôn.
Mẹ tôi không đồng ý. Mẹ bảo, ở dưới đó chỉ có mẹ và ông Hạnh ở bên
nhau chứ nhất định là không có bố.
Đêm, tiếng chó sủa lưa thưa, tiếng người lao xao trong gió vọng
vào nhà, mẹ lầm rầm:
- Ông Hạnh à. Ông đừng tưởng chỉ mình ông sốt ruột. Tôi sốt
ruột hơn ông cơ đấy. Cứ ở đấy đợi tôi, tôi với ông sắp được đoàn tụ
rồi. Hay là ông muốn nói chuyện với tôi? Vào trong này, chứ tối
lắm tôi làm sao mà ra ngoài đó với ông được.
Mẹ tôi gần đất xa trời, lúc nào cũng lo lắng sợ tôi quên ngày giỗ
ông Hạnh: