"Lạnh rồi, về mau đi thôi. Bay phất phơ hoài bên ngoài gió lạnh thế này,
chú chịu sao thấu." Bướm vẫn bay lửng lơ, miệng ngâm thơ khẽ: sau đó
giọng bướm bỗng rành rọt, "Kỳ lân. Hình giống con ngựa, có một sừng,
tính cực hiền, vì vậy người ta còn gọi là nhân thú. Người xưa nói kỳ lân
xuất hiện để báo sắp có thần nhân ra đời.
Ô này, ta là chú bếp nhà ai,
Ta là thuyền trưởng ở ngoài biển khơi.
Cánh buồm no gió chơi vơi.
Lấy ai bầu bạn cho nguôi nỗi lòng."
Cánh bướm tưng bừng và kiêu hãnh. Đã có những ánh đom đóm đầu tiên
vây quanh, ngỡ ngàng.
Lân sửng sốt nghe bướm sau cùng nói đến tên mình như vậy nên cũng bỏ
qua việc bướm trước đây đã đả động đến ngựa. "Ồ, thì ra, chú biết ta!" lân
reo vui như vậy, hơi thở mạnh thổi tung bướm ra xa dễ thường đến sáu, bảy
thước. Khi bướm lao đao bay lại, lân nài nỉ, "Chú bướm, nếu quả thật chú
đã nhận biết ra ta, vậy chứ trước đây chú có gặp đồng loại ta lần nào chăng.
Làm cách nào gặp được đồng loại ta đây, đi lối nào?"
Bướm hát trong ánh chiều chạng vạng:
"Bướm hỡi bướm, cõi trần đã chán,
Đường lợi danh luống nản chân bon.
Cuồng điên theo gió thả hồn.
Rượu say ta hát trăng tròn mặc trăng."
Bướm lại đậu trên sừng lân một lần nữa, run rẩy.
"Làm ơn cho ta hay đi bướm!" lân nói. "Ta chỉ cần biết liệu có còn
những kỳ lân khác trên cõi đời này chăng. Hãy nói cho ta hay điều đó chú
bướm. Ta tin lời chú. Nói đi chú, để ta còn quay trở lại khu rừng của ta
ngay. Ta đi đã quá lâu rồi."
Bướm lại ngâm nga: "Núi ca tít từng mây,
Lũng sâu thẳm địa ngục,
Giữ cho lòng hăng say, Vượt gian nguy khổ cực."