Dầu sao thì chú bướm cũng đã nhận ra ta; lân buồn rầu nghĩ vậy. Thế
cũng là có ý nghĩa rồi. Nhưng rồi lân lại tự nhủ, Không, vẫn chưa có ý
nghĩa gì hết, trừ phi phải có người làm bản nhạc; hay bài thơ về giống kỳ
lân mới chắc. Nhưng còn con Bò Mộng Đỏ là cái gì vậy? Một bài hát khác
chăng, ta chắc vậy.
Bước lân chầm chậm, bóng đêm bắt đầu phủ dầy. Trời thấp xuống với
màu đen gần như trong vắt, trừ một khoảng vàng lộng, đó là khoảng chị
Hằng lẩn sau cụm mây dầy. Lân hát khẽ một bài ca mà một cô gái trước
đây lâu lắm đã nhiều lần hát trong khu rừng cũ của lân:
Bao giờ chim sẻ với mèo
Sống chung hòa thuận, tôi chiều ý anh.
Bao giờ cá chán biển xanh
Nhảy lên ở cạn, tôi anh một nhà
Lân không hiểu lời ca, nhưng bài ca làm lân nhớ khu rừng nhà kinh
khủng. Hình như khi lân bước chân ra đi trời vừa sang thu thì phải.
Sau cùng lân phủ phục xuống, nằm dài trên cỏ lạnh, thiu thiu ngủ. Lân
vốn cực kỳ thận trọng, nhưng khi đã ngủ thì ngủ thật say. Quả thực nếu
không mơ thấy mình đã trở lại cố hương thì lân đã thức giấc ngay khi nghe
tiếng bánh xe và tiếng chuông leng keng đang tiến tới gần, mặc dầu bánh
xe quấn giẻ để lăn cho êm, chuông bọc len để kêu vừa đủ. Lân mơ về chốn
xa, quá xa, xa hơn vùng chuông kêu nhiều lắm, vì vậy lân vân thiêm thiếp
nằm đó, không thức giấc.
Có chín xe ngựa bốn bánh, hết thẩy đều phủ vải đen và kéo bởi những
con ngựa đen gầy, mỗi lần gió thổi tung tấm rèm đen lên, những chấn song
lộ ra như hàng răng đen ngòm. Xe dẫn đầu trên có một mụ già mập lùn
ngồi cầm cương ngựa, dọc theo phần hông được phủ kín của xe là tấm biển
có viết dòng chữ lớn: GÁNH XIỆC NỬA ĐÊM CỦA BÀ MÁ VẬN
MẠNG. Và bên dưới là dòng chữ nhỏ hơn: Những sinh vật thuần sống về
đêm được mang ra ánh sáng.
Khi chiếc xe tiến ngang khoảng lân đang thiêm thiếp giấc nồng, mụ già
vội ghìm con hắc mã. Tất cả những xe sau cùng phải dừng lại, đợi mụ già