đầu của ‘Khỏi đầu tốt đẹp’ trước mắt nàng Cecilia đã một lần nữa ngồi hàng đầu.
Nhưng tôi thì chìm trong bóng tối, một chân kèn trầm giữa những kèn trầm. Còn
về hai tên thối tha kia, chúng chẳng bao giờ có thể tự chơi hết, và tôi không bao
giờ quay lại được với đội trômpet. Chiến tranh kết thúc, tôi trở lại thành phố, bỏ
rơi âm nhạc, bộ kèn đồng, và không bao giờ biết được họ của nàng Cecilia.”
“Anh chàng khốn khổ,” Lorenza nói, ôm anh ta từ đằng sau. “Nhưng anh
còn có em.”
“Anh nghĩ em thích saxophone,” Belbo nói. Rồi anh ta quay lại hôn bàn tay
nàng. “Nhưng quay lại làm việc thôi,” anh ta nói tiếp, trở lại vẻ nghiêm túc.
“Chúng ta ở đây để sáng tạo một câu chuyện về tương lai, không phải một hồi ức
về những thứ đã qua.”
Tối đó, việc bãi bỏ lệnh cấm rượu được hưởng ứng nhiệt liệt. Jacopo có vẻ
đã quên phắt tâm trạng bi thương của mình và đấu với Diotallevi trong việc
tưởng tượng ra những cỗ máy kỳ cục, và cũng như bao nhiêu lần chỉ để rồi khám
phá ra rằng cỗ máy đó đã được phát minh. Đến nửa đêm, sau một ngày chạy hết
công suất, chúng tôi quyết định đã đến lúc trải nghiệm cái gọi là ngủ trên đồi.
Trên giường tôi, chăn chiếu còn ẩm ướt hơn lúc ban chiều. Jacopo đã nhất
quyết rằng chúng tôi sẽ sử dụng chiếc “mục sư”: một khung hình ô van giữ cho
chăn nâng lên và có chỗ đặt một lò than hồng - anh ta muốn đảm bảo rằng chúng
tôi được hưởng thụ tất cả thú vui của đời sống thôn quê. Nhưng khi ẩm thấp
thường trực thế này thì cái lò sưởi kia chỉ càng làm ẩm ướt hơn: bạn cảm thấy hơi
ấm tốt lành nhưng chăn chiếu ướt rượt. Ôi chà. Tôi châm đèn, loại đèn có chụp
tua rua, nơi bầy thiêu thân chấp chới lao vào cho tới chết như các nhà thơ thường
nói, và tôi cố dụ cơn buồn ngủ đến bằng cách đọc báo.
Trong suốt một hay hai giờ gì đó, tôi nghe thấy những tiếng bước chân trên
hành lang, tiếng đóng mở cửa, và cuối cùng là một tiếng sập cửa mạnh. Lorenza
Pellegrini đang thử thần kinh của Belbo.
Tôi đang lơ mơ thì nghe thấy tiếng cào lên cửa, cánh cửa phòng tôi. Tôi
không biết đó là tiếng loài vật hay không (tôi không thấy mèo hay chó trong nhà),
nhưng tôi có ấn tượng rằng đó là một lời mời mọc, một đề nghị, một cái bẫy. Có
lẽ Lorenza đang làm vậy bởi vì nàng biết Belbo theo dõi nàng. Có lẽ không. Cho
tới khi ấy, tôi vẫn coi Lorenza là tài sản của Belbo - ít nhất là theo như tôi biết -
ngoài ra, giờ tôi đang chung sống với Lia, những người đàn bà khác không gây
hứng thú cho tôi. Tôi luôn nghĩ những cái liếc mắt ranh mãnh, thường đầy vẻ
đồng lõa, mà cô nàng Lorenza đó ném cho tôi trong văn phòng hay trong quầy