Các bản tuyên ngôn kia nói về Kế hoạch Provins, điều này là chắc chắn.
Trong nấm mộ của C.R. (phúng dụ cho Grange-aux-Dimes, đêm 23 tháng Sáu
năm 1344), một kho báu đã được đặt đó cho hậu thế khám phá, một kho báu “còn
ẩn giấu... trong một trăm hai mươi năm.” Không phải tiền bạc; rõ ràng như vậy.
Từng có không chỉ một cuộc luận chiến phản đối sự tham lam vô độ của giới giả
kim, nhưng văn bản kia công khai hứa hẹn một thay đổi lịch sử lớn lao. Và nếu
người đọc có chưa hiểu ra điều đó thì bản tuyên ngôn thứ Hai bổ sung thêm rằng
không thể làm ngơ trước một đề nghị có liên quan tới miranda sextae aetatis
(những phép lạ của cuộc hẹn thứ sáu và cuộc hẹn cuối cùng!), và nó nhắc lại:
“Giá như sự này làm vui lòng Thiên Chúa để Người ban xuống cho ta ánh sáng từ
Cây nến thứ sáu của Người... Giá như ta có thể đọc mọi điều trong độc một cuốn
sách và khi đọc, ta hiểu được và ghi nhớ... Hân hoan sao nếu qua khúc ca (thông
điệp được xướng to!) ta có thể biến đá (lapis exillis!) thành trân châu và đá
quý...” Và trong đó còn nói xa hơn tới những bí mật bí truyền, tới một chính
quyền sẽ được lập ra ở châu Âu và tới một “đại công trình” cần đạt được...
Người ta nói rằng C.R. đã tới Tây Ban Nha (hay Bồ Đào Nha?) và trình bày
với các học giả ở đó rằng “có thể rút từ đâu ra các tín hiệu đích thực về các thế kỷ
tương lai”, nhưng phí công vô ích. Tại sao lại phí công vô ích? Liệu có phải bởi
một nhóm hiệp sĩ dòng Đền Đức vào đầu thế kỷ 17 đã công bố một bí mật được
canh giữ rất kỹ lưỡng, họ bị buộc phải bước ra ánh sáng bởi một sự ngưng trệ
trong tiến trình chuyển giao thông điệp kia?
Không thể phủ nhận việc các bản tuyên ngôn cố gắng tái thiết các giai đoạn
của Kế hoạch như Diotallevi đã tóm lược. Vị sư huynh đầu tiên mà việc tạ thế
được nhắc tới là sư huynh I.O., đã “đi tới điểm kết” ở nước Anh. Vậy nên có
người đã mã đáo thành công ở cuộc hẹn đầu tiên. Rồi dòng kế tục thứ Hai, và
dòng thứ ba được đề cập. Đến điểm này thì mọi thứ vẫn như kế hoạch: dòng thứ
Hai, dòng Anh quốc, gặp dòng thứ ba, dòng Pháp quốc, vào năm 1584. Những
văn bản đầu thế kỷ 17 chỉ nói về chuyện đã diễn ra với ba nhóm đầu tiên. Trong
Đám cưới hóa học do Andreae viết vào thời trai trẻ, suy ra là trước thời các bản
tuyên ngôn (ngay cả khi các tuyên ngôn kia ra đời ngay từ năm 1614), có nhắc tới
ba ngôi đền kỳ vĩ, ba địa điểm mà ắt hẳn người ta đã biết.
Ấy thế nhưng khi đọc, tôi nhận ra rằng dẫu quả thực hai bản tuyên ngôn sau
này cũng nhắc cùng những điều như Đám cưới hóa học, song hình như có gì đó
bất ổn đã diễn ra trong giai đoạn này.
Chẳng hạn, vì sao lại khăng khăng đến vậy vào chuyện rằng đã đến lúc rồi,
thời khắc đã tới, mặc dù kẻ thù đã vận đến mọi thủ đoạn để khiến cơ hội không