cuốn hút, họ sẽ tiếp cận cuốn sách theo một cách hoàn toàn khác.
Liệu tôi đang thúc giục anh ta vươn tới một hành động tự do, hay là tôi đang dùng anh ta để chấp bút
cuốn sách của chính mình?
Thay hình đổi dạng cuốn sách bằng một từ ở chỗ này, từ kia ở chỗ nọ. Làm hóa công cho tác phẩm của
những người khác. Gõ vào tấm đất sét đã cứng lại, vào bức tượng ai đó khác đã tạc xong. Thay vì lấy đất sét
mềm và tự mình nặn lấy. Giáng cho tiên tri Moses cứ gõ chuẩn xác bằng búa, rồi ngài sẽ cất tiếng nói.
Gặp William S.
“Tôi đã xem tác phẩm của anh. Không tồi. Nó có độ căng, không gian tưởng tượng. Tác phẩm đầu tay
đấy hả?”
“Không. Tôi từng viết một vở bi kịch khác. Đó là câu chuyện về một cặp tình nhân ở Verona...”
“Mình hãy bàn về tác phẩm này trước đã, anh S. Tôi đang tự hỏi vì sao anh lại đặt bối cảnh ở Pháp. Tôi
có thể đề xuất vài ý kiến được không, Đan Mạch thì sao? Sẽ chẳng mất công lắm đâu. Anh chỉ đổi vài ba cái
tên và biến lâu đài vùng Châlons-sur-Marne thành, thế này đi, pháo đài Elsinore... Trong một bầu không khí
Bắc Âu, Kháng Cách giáo, dưới cái bóng của Kierkegaard, ấy là nói như vậy, tất cả những bội âm về sự tồn
tại này...”
“Có lẽ anh nói đúng.”
“Tôi nghĩ là tôi đúng đấy. Tác phẩm có thể cần chỉnh trang một chút về văn phong. Chẳng có gì ghê gớm
đâu, chỉ như vài nhát kéo sửa sang của tay thợ cạo trước khi anh ta nâng gương lên cho anh xem thôi. Ví dụ
hồn ma của người cha nhé. Vì sao lại ở cuối? Tôi thì sẽ đưa ông ta lên đầu. Bằng cách đó lời cảnh báo của
người cha giúp thúc đẩy hành vi của chàng hoàng tử trẻ tuổi và nó tạo ra mâu thuẫn với người mẹ.”
“Ừm, ý tưởng hay lắm. Tôi sẽ chỉ phải chuyển một cảnh.”
“Chính xác. Giờ là văn phong. Đoạn này, khi hoàng tử quay sang khán giả và bắt đầu độc thoại về hành
động và không hành động. Đoạn đó cũng khá hay, nhưng lời anh ta, ừm, chưa đủ day dứt. ‘Hành động hay
không hành động? Đó là vấn đề của tôi.’ Tôi sẽ không nói ‘vấn đề của tôi’ mà là ‘câu hỏi’. Câu hỏi là đó.
Anh hiểu ý tôi chứ. Vấn đề cá nhân của anh ta có đáng kể gì so với toàn bộ câu hỏi về sự tồn tại. Câu hỏi
rằng liệu tồn tại hay không tồn tại...”
Nếu anh rải khắp thế giới này những đứa trẻ không mang tên anh, sẽ chẳng ai biết chúng là của anh.
Giống như Chúa trời trong bộ y phục mộc mạc. Anh là Chúa trời, anh thả bộ khắp thành phố, anh nghe thấy
người ta nói về anh, Chúa thế này, Chúa thế nọ, vũ trụ này tuyệt vời ra sao, và cái định luật vạn vật hấp dẫn
tao nhã chừng nào, và anh mỉm cười một mình sau bộ râu giả (không, tốt nhất là ra đường không nên đeo
râu, bởi vì một vị Chúa đeo râu sẽ lập tức bị nhận ra). Anh tự thoại (Chúa luôn tự thoại): “Chính ta đây, đấng
Độc tôn, mà họ không hay biết.” Nếu một khách bộ hành va phải anh trên phố hoặc thậm chí nhục mạ anh,
anh khiêm nhường xin lỗi và đi tiếp, dù cho anh là Chúa trời và chỉ cần búng tay một cái là anh có thể biến
thế giới này thành tro bụi. Nhưng dẫu quyền lực vô hạn như anh, anh lại có thể rất nhẫn nhục.