chê mấy con bé này không đủ đẹp?”
Ông ta trầm ngâm, cung tay cáo từ.
Văn Tĩnh tắm gội xong xuôi, toàn thân thư thái, đi ra khỏi phòng. Trong
sảnh đã có thêm một nữ tỳ nữa. Người đó vừa trông thấy gã liền cúi mình
chào. Văn Tĩnh đỏ mặt tía tai, cúi đầu đi qua bên cạnh, chợt nghe thấy
người ta thỏ thẻ gọi: “Thiên tuế!”
Văn Tĩnh ngoảnh đầu nhìn, nhận ra chính là thiếu nữ áo lam hồi tối ca bài
từ trong phủ Kinh lược. Cô ta ăn mặc theo lối tỳ nữ nên vừa rồi Văn Tĩnh
không nhận ra, nay nhận ra rồi cũng nên chào hỏi cho phải phép, gã đành
lắp bắp: “Cô… đến đây làm gì vậy?”
Thiếu nữ nói sau một hồi cúi đầu im lặng: “Thiên tuế chắc phải hiểu rõ hơn
Nguyệt Thiền chứ.”
Không quen với lối nũng nịu phong tình ấy, Văn Tĩnh hỏi “Hiểu gì cơ?”
Nguyệt Thiền định nói lại thôi, Văn Tĩnh bảo luôn: “Ta buồn ngủ lắm, có
chuyện gì đợi mai hãy hay!”
Nguyệt Thiền hỏi: “Thiên tuế có muốn nghe thiếp hát một khúc không?”
Văn Tĩnh lắc đầu, đi tuột vào phòng ngủ, đóng cửa và khoá trái, thở phào
nghĩ: “Coi như qua được một đêm.”
Gã trèo lên giường, vốn dĩ muốn ngủ, nhưng ruột rối như tơ vò, không sao
bình tĩnh được, cuối cùng chỉ tơ tưởng đến bóng dáng xinh đẹp mà ranh
mãnh nọ.
“Chẳng biết còn gặp được nàng nữa không?” Văn Tĩnh buồn rầu: “Có lẽ
đời này kiếp này không còn được nhìn thấy nàng nữa rồi.” Nghĩ tới đây, gã
chua xót suýt khóc. Bỗng nhiên nghe thấy đằng xa tiếng ngâm xướng vẳng
lại, Văn Tĩnh lắng tai, nhận ra chính là bài Nhất tùng hoa lệnh gã điền hồi
tối mà chưa kịp hát, tiếng ca dặt dìu thanh tao chứa nỗi sầu man mác. Tâm
trạng Văn Tĩnh khéo hợp với giai điệu đó, nghe hồi lâu bất giác si dại, gã
khoác áo bước ra, trông thấy Nguyệt Thiền tắm mình trong ánh trăng mờ
ảo, đang chậm bước bên bụi hoa, tay cầm một tờ giấy, ngâm nga khe khẽ.
Nghe tiếng kẹt cửa, cô gái ngoảnh đầu nhìn, biến sắc thi lễ: “Tỳ tử vô phép,
phải chăng đã quấy nhiễu giấc mộng của thiên tuế?”
Mặt Văn Tĩnh đỏ như gà chọi, gã lắc đầu, lúng túng nói: “Không… không