Ông lão lại hiểu lầm, bèn bảo:
- Thuyền này chỉ đến Quý Châu, nếu cậu muốn xuôi sang đông thì hẵng
ngồi thuyền đến Quý Châu rồi đổi.
- Tại sao ạ?
Ông lão giải thích:
- Tam Hiệp hiểm trở nước xiết, không thể gối sóng mà đi, già chẳng dám
mạo hiểm. Sóng to gió cả bình thường già còn chèo chống được, chứ vào
eo sông rồi chẳng có bản lĩnh ấy đâu.
Văn Tĩnh cười hỏi:
- Vậy đến Quý Châu thì bao nhiêu lượng bạc?
Ông già hỏi.
- Cậu bao cả thuyền hay ngồi chung với hành khách khác?
- Bác nói rõ hơn xem?
- Bao cả thuyền tức là một mình một thuyền, giá năm lượng bạc. Ngồi
thuyền chung tức là nhiều khách một thuyền, giá chia theo đầu khách.
Văn Tĩnh sợ ở Hợp Châu có người đuổi theo, chỉ muốn đi sớm chừng nào
hay chừng ấy, bèn móc ngực áo ra hai nén bạc vụn, đưa cho ông già:
- Cho cháu bao cả thuyền đi!
- Ta trả mười lượng! – Phía sau có giọng con gái cất lên lanh lảnh – Ta bao
thuyền này!
Văn Tĩnh giật thót, đứng đực ra.
Ông lão cười:
- Già là người làm ăn, phải trọng chữ tín. Người đến trước phục vụ trước,
cậu khách đây đã bao…
- Hai mươi lượng! – Người ấy lại nói rành mạch.
Ông già sửng sốt.
- Sao, vẫn chưa được ư? Bốn mươi lượng. – Cô gái tiếp tục. Ông già toát
mồ hôi.
- Ngọc Linh! – Văn Tĩnh từ từ quay lại, nhăn mặt – Sao cô phải đối đầu với
tôi thế?
Ngọc Linh vận áo xanh biếc, lưng đeo bao lụa, đứng óng ả bên sông, nghe
hỏi vậy liền nhướng cặp mày liễu: