Tới ngày thứ sáu sáu khi lấy thi thể ra khỏi quách, tôi lấy những băng vải
từ xác ướp của Sobekhotep và cẩn thận dùng chúng bọc thi thể người quá
cố, thoa thật nhiều chất nhựa thơm và nhựa benzoin lên cái xác cũng như
giữa các nếp vải nhằm át đi mùi rượu thoang thoảng lẫn mùi formalin. Khi
đã quấn xong, thi thể người quá cố nhìn y như xác ướp thật, đến nỗi nếu cứ
thế đặt ông ta vào tủ trưng bày cũng khá đẹp thậm chí ngay cả khi không
nằm trong quách. Còn tôi cảm thấy gần như tiếc nuối phải tống khứ ông ta
mãi mãi.
Nhét ông ta vào quách quả là khó khăn khi không có người giúp đỡ, tôi
đã làm phần ván ép bị nứt nghiêm trọng ở một vài chỗ trước khi cái xác
nằm yên ổn trong đó. Nhưng cuối cùng tôi cũng nhét ông ta vào được. Sau
khi đã buộc lại cái quách bằng dây mới, tôi bôi một lớp bitumen để che đi
các vết nứt và đoạn dây. Tôi dùng một cái giẻ bẩn thỉu chấm chấm lên lớp
bitumen sau khi nó đã khô để người ta không nhận ra nó còn mới, và vậy là
cái quách cùng chủ nhân mới của nó đã sẵn sàng để được chuyển đi. tôi
thông báo với Tiến sĩ Norbury và năm ngày sau ông ta tới đem nó về Viện
bảo tàng.
Giờ khó khăn lớn nhất đã được giải quyết, tôi bắt đầu suy tính những khó
khăn tiếp theo mà ông đã giải thích một cách dễ hiểu đáng ngưỡng mộ.
John Bellingham cần phải xuất hiện một lần nữa trước mặt mọi người trước
khi biến mất hẳn.
Vậy là tôi nghĩ ra việc tới thăm nhà Hurst, trò này được tính toán kĩ
nhằm thực hiện hai mục đích. Nó xác định ngày tháng phù hợp cho vụ mất
tích, khiến tôi không còn dính dáng gì nữa, và khi dồn bớt những nghi vấn
lên Hurst, điều đó sẽ khiến ông ta trở nên dễ bảo hơn, ít có khả năng tranh
chấp với tôi khi biết được các điều khoản trong di chúc.
Việc này khá đơn giản. Tôi biết Hurst đã thay những người hầu phòng
mới kể từ lần trước tôi tới thăm nhà ông ta, và tôi cũng biết rõ những thói
quen của ông ta. Ngày hôm đó tôi đem cái vali tới Charing Cross và để nó
lại trong phòng giữ đồ, tạt qua văn phòng Hurst để đảm bào ông ta vẫn ở