Họ đi ra cổng mua chút thức ăn sáng về, vừa đưa sữa đậu nành, bánh
bao cho mẹ Trần thì cửa phòng cấp cứu mở ra. Bước chân loạn xạ, bác sĩ, y
tá đang đẩy xe đi ra.
Mọi người lập tức im lặng tràn lên.
Trên chiếc giường đẩy, ông cụ đang đắp tấm chăn mỏng, chỉ có khuôn
mặt lộ ra bên ngoài, sắc mặt vàng vọt, nhắm mắt, không có chút sức sống.
Y tá trẻ ở bên cạnh đang cầm túi truyền dịch cho ông, đưa ông thẳng đến
phòng bệnh. Mẹ Trần đỏ mắt cùng đi theo xe đến phòng bệnh, để Trần
Nham và cậu ở lại hỏi tình hình.
Bác sĩ hơn nửa đêm bận rộn hai tiếng, thể xác và tinh thần cũng đã
mỏi mệt, không tận tâm suy nghĩ cách diễn đạt gì, giọng nói hơi trầm, “Ông
cụ của gia đình may mà đưa đến kịp thời. Ảnh hưởng của cú ngã này với
ông ấy không nhẹ, hai điểm xuất huyết mới tăng thêm đều là vị trí quan
trọng nhất. Cụ thể như thế nào thì phải đợi sau khi chuyên gia của chúng tôi
hội chẩn, người nhà hãy chuẩn bị tâm lý trước đi.” Cậu Trần Nham muốn
hỏi thêm mấy câu, nhưng bác sĩ chỉ nói, “Sau khi chuyên gia hội chẩn sẽ
quyết định phương án điều trị, gia đình đi đến phòng bệnh trước đi.”
Tai nạn đột nhiên xảy ra lần này của ông cụ, bởi vì đã có kinh nghiệm
trước đó, nên người nhà Trần Nham không hoảng hốt lo sợ như lần trước.
Lần trước ông ngoại Trần Nham tìm được đường sống trong chỗ chết, mất
hơn nửa khả năng tự lo cho bản thân, khó khăn lắm mới hồi phục được đến
mức có thể tự đi đứng ăn cơm, cú ngã này, cho dù cứu ông lại được, thì
những nỗ lực trước đó cũng coi như dã tràng xe cát. Giờ phút này, ngoại trừ
lo nghĩ, âu lo ra, thì họ còn cảm nhận được sự vô lực và chán nản sâu sắc.
Dường như trong cuộc sống luôn có vô số hố trũng, nhảy qua cái này
vẫn còn cái khác, vĩnh viễn nhảy không hết. Nhảy đến phía sau, chân ta đã
mềm nhũn, thế nên có lòng mà không đủ sức.