Nhưng sớm muộn gì thì công thức thành công này cũng sẽ không còn hiệu
quả nữa. Đến giai đoạn đó, chiều hướng phát triển của doanh nghiệp mới
được quan tâm và giá trị của nó sụt giảm đột ngột.
_ Đôi khi người ta cũng làm một số thí nghiệm, nhưng thí nghiệm này
thất bại, hoặc không đạt được thành công như công thức ban đầu. Vào giai
đoạn đó, người chủ doanh nghiệp thường sẽ tập trung mọi người lại và nói:
“Tôi muốn cho các bạn trẻ có cơ hội thử thách. Nhưng thị trường đã lên
tiếng. Vì vậy nên từ giờ trở đi chúng ta sẽ tiếp tục những biện pháp cũ đã
được chứng minh là thành công”. Việc thử nghiệm chấm dứt. Chặng đường
thành công ban đầu đã có hiệu quả trong một thời gian, nhưng sau đó thì
mọi chuyện không còn suôn sẻ như trước nữa…
Những người khởi xướng một doanh nghiệp
thường phá hỏng giai đoạn phát triển thứ hai
Vào năm 1910, 458.000 gia đình Mỹ có xe hơi. Mười năm sau, con số
này là 8.225.000. Henry Ford đã tạo ra thị trường này và đến năm 1920 ông
đã sở hữu phần lớn của nó. Nhưng vào năm 1937, công ty Ford Motor rớt
xuống vị trí thứ ba với chỉ có 21% thị phần, so với 25% của Chrysler và
42% của General Motors.
Tại sao vậy ? Bởi vì Henry Ford, nhà sáng tạo vĩ đại nhất những năm
1900 và 1910, đã từ chối cải tiến vào năm 1920 và 1930. Ford có quá ít mẫu
mới và biến thể mới so với những đối thủ của mình.
Tôi đã nhìn thấy khuôn mẫu này nhiều lần đến mức tôi thường cảm thấy
thất vọng. Những con người 80/20 sẽ làm gì?
Một giải pháp yếm thế là bán nó đi ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên cho
thấy sự phát triển đang bị chựng lại. Tuy nhiên, có một lựa chọn tốt hơn.
Hãy biến đổi công thức thành công của bạn. Hãy kiên trì cho đến khi bạn
đạt được một thành công bất ngờ. Sau đó hãy tiếp tục cho đến khi nó không
còn hiệu quả như trước, và lại tiếp tục tạo ra một số lớn những biến thể mới
cho đến khi bạn thấy được một “hũ vàng” khác một lần nữa.