Có một mạng lưới biến ảo đang chuyển động giữa những cá nhân và
nhóm riêng của họ trong quan hệ với những cá nhân và những nhóm khác.
Họ hợp tác với nhau không phải vì ai bảo họ phải làm thế, không phải vì
tinh thần tập thể, mà bởi vì việc đó có lợi cho họ. Cá nhân hợp tác để làm
giàu. Cái lợi mà họ có được dựa trên sự chuyên môn hóa, và nói cho cùng,
chính là dựa trên cá nhân.
Nhân đây tôi muốn giới thiệu về một thuật ngữ mà tôi sẽ sử dụng trong
suốt phần còn lại của cuốn sách này. Khi tôi nói về một “cá nhân”, xin hãy
hiểu rằng tôi đang muốn nói về “cá nhân và đội nhóm của họ”.
Không phải là châu chấu đá xe
Gần đây, Charles Handy có viết một cuốn sách nói về thế giới của “châu
chấu đá xe”. “Xe” ở đây là những tổ chức lớn. “Châu chấu” ở đây là những
người mà ông gọi là “những người độc lập”, những tổ-chức-một-người như
các nhà văn, nhà tư vấn, nghệ sĩ… Ông nhận thấy số người độc lập này
ngày càng gia tăng, khi những người như ông rời bỏ các tổ chức để trở
thành những nhà kinh doanh độc lập. Handy đem đến cho họ những lời
khuyên hữu ích làm thế nào để tồn tại bên ngoài một tổ chức.
Handy đã đúng khi nói rằng số lượng “châu chấu” đang ngày càng gia
tăng. Nhưng nếu chỉ nói như thế sẽ không hình dung được tầm quan trọng
của sự gia tăng đó. Nếu tất cả những gì họ làm chỉ là rời tổ chức này rồi lại
bán sức lao động cho tổ chức khác thì nền kinh tế xã hội sẽ không thay đổi
gì nhiều. Chủ nghĩa cá nhân vẫn sẽ chỉ giới hạn bên lề của nền kinh tế.
Những con người 80/20 không phải là “châu chấu”. Những con người
80/20 không phải là những tổ-chức-một-người. Những con người 80/20 có
hoài bão cao hơn là đem bán sức lao động. Những con người 80/20 hợp tác
với nhau, và với cả “châu chấu” lẫn “xe”, để tạo nên những tổ chức xã hội
hay những doanh nghiệp mới có siêu năng suất thật sự.
Những con người 80/20 không ngừng bổ sung thêm vào dòng phát triển.
Họ để lại những sản phẩm hay những tổ chức có thể đem đến những sản
phẩm hay những tổ chức khác thậm chí còn tốt hơn.