Phụ nữ và trẻ em trở về nhà mang theo các thứ hoa quả và mật ong.
Có lẽ có đủ để ăn no căng bụng đấy! Nhưng các bà nội trợ không muốn
lãng phí thức ăn. Họ gạt lũ trẻ con háu đói ra, và cất vào trong lọ, thúng mủng
và thùng, tất cả thứ gì có thể để dành được. Cần phải dự trữ lương thực vì đi
săn là một nghề rất bấp bênh. Thế là khí hậu ấm dịu trở về đã làm cho con
người trở lại những thói quen hái lượm cũ. Nhìn bề ngoài thì điều đó dường
như là một sự thụt lùi, nhưng xét đến cùng thì đó lại là một bước tiến lớn. Bởi
vì từ chỗ hái lượm hoa quả, con người sau đó sẽ sớm chuyển sang việc trồng
trọt các thứ cây đó, như thế là đã vượt qua ranh giới ngăn cách việc hái lượm
và nghề nông.
Phụ nữ đi hái lượm về, ngoài các thứ quả ra, còn mang theo cả những hạt
ngũ cốc, như lúa mạch và lúa mì mọc tự nhiên. Họ cũng để dành một số hạt
lúa đó làm dự trữ. Có lúc họ vô ý để vương vãi ít nhiều hạt ra đất. Một số hạt
mọc rễ. Đó cũng tựa như là một sự gieo hạt vô tình vậy.
Lúc đầu người ta đã vô tình mà gieo hạt xuống đất. Về sau, họ chủ tâm
gieo hạt.
Có nhiều dân tộc hãy còn giữ trong kho tàng truyện thần thoại của mình
những truyền thuyết về hạt giống được người ta chôn vùi xuống đất và tái
sinh lại.
Thời tiền sử, khi những người phụ nữ xới đất để vùi hạt giống, họ tin
tưởng là mình đang làm lỗ chôn cất một vị thần huyền bí nào đó, mà sau này
sẽ tái sinh thành những bông lúa chín vàng rực rỡ. Và mùa thu đến, khi bỏ