lịch sự lắm: họ lập tức bắt cầm tù người thủ lĩnh ở đây là Môn-tê-du-ma.
Coóc-tê ra lệnh tống giam Môn-tê-du-ma và bắt anh ta mang xiềng xích
và phải tuyên thệ là sẽ trung thành với đức vua Tây Ban Nha. Viên tướng bất
hạnh kia đã ngoan ngoãn nhắc lại công thức mà người ta đọc cho anh ta nghe:
anh không biết thế nào là một ông vua, thế nào là tuyên thệ.
Coóc-tê tưởng rằng hắn đã có thể ăn mừng thắng trận được rồi: ông
“vua” của người Mê-hi-cô chẳng đã lọt vào tay hắn và đã chịu từ bỏ quyền
hành để trao hết cho vua Tây Ban Nha, chủ của Coóc-tê ư? Vậy thì mọi việc
đều trót lọt. Chắc hẳn là Coóc-tê đã lập luận như vậy. Nhưng hắn đã lầm, bởi
vì hắn không biết chút gì về tập quán người Mê-hi-cô, cũng như Môn-tê-du-
ma không hiểu gì về tập quán người Tây Ban Nha. Coóc-tê coi Môn-tê-du-
ma như là một ông vua của xứ này, nhưng thực ra đó chỉ là một người chỉ huy
quân sự, không có chút quyền hành chính trị gì ở trong nước cả.
Coóc-tê vui mừng quá vội... Dân A-dơ-tếch đã làm một việc mà hắn ta
hoàn toàn không ngờ tới: họ bãi chức của Môn-tê-du-ma và cử em Môn-tê-
du-ma lên thay.
Người chỉ huy mới này đã ra lệnh cho mọi binh sĩ của mình tấn công vào
tòa “Nhà lớn” là nơi người Tây Ban Nha đặt doanh trại. Người Tây Ban Nha
chống cự lại bằng súng trường và đại bác.
Người A-dơ-tếch dùng vô số đá và tên để tấn công kẻ địch. Tất nhiên
súng đạn lợi hại hơn đá và cung tên. Nhưng người A-dơ-tếch bảo vệ tự do
của họ, và không có sức mạnh nào cản được bước tiến của họ. Nếu mười
chiến sĩ ngã xuống thì liền có trăm người khác lên thay, trả thù cho anh, em,
chú, bác. Không ai sợ chết cả, vì tính mệnh của một cá nhân không có ý
nghĩa gì, so với nền an ninh của cả một thị tộc, một bộ lạc.