Ở những miền châu thổ phì nhiêu, sẵn nước sông tưới ruộng, thiên nhiên
hình như đã giúp cho con người được mùa lớn.
Mặc dù thế, người nông dân cũng không phải là ngồi không mà hưởng
thụ. Họ phải đào mương, đắp đê đưa nước vào ruộng.
Vì vậy, con người sùng bái các con sông đã đem lại phì nhiêu cho đồng
ruộng. Họ đã quên rằng nếu bản thân họ không nỗ lực lao động thì trên đồng
ruộng cũng sẽ chỉ mọc toàn cỏ dại mà thôi.
Trong khi người cày ruộng vất vả lao động, thì chính người chăn nuôi
cũng bận việc không kém.
Trong các bãi chăn nuôi vùng thảo nguyên, các đàn gia súc lớn lên trông
thấy. Và đàn gia súc càng đông thì người chăn nuôi càng vất vả.
Khi đàn cừu chỉ có vài chục con thì khác, mà khi đàn cừu đã đông tới
hàng nghìn con thì lại khác. Những đàn cừu lớn như thế ngốn hết cỏ quanh
vùng rất nhanh, vì vậy, cần phải di chuyển chúng tới những nơi khác, mỗi
ngày lại phải rời xa làng thêm nữa.
Cuối cùng, cả bộ lạc bắt đầu đi lưu động theo sau đám gia súc. Mọi người
chồng chất tài sản đồ đạc lên lưng lạc đà và lên đường đi theo đàn gia súc là
thứ tài sản bằng xương, bằng thịt.