Họ rời bỏ không thương tiếc những đồng ruộng để mặc cho cỏ dại đến
chiếm chỗ của ngũ cốc, vì ở miền thảo nguyên gió nóng cháy, ít khi được
mùa.
Và cùng với sự phân hóa của xã hội ra thành những người chăn nuôi và
những người làm ruộng, đã xuất hiện sự phân công lao động giữa những tập
đoàn khác nhau chứ không phải trong nội bộ từng thị tộc.
Ở các thảo nguyên đã thành lập những thị tộc chăn nuôi thuần túy, chuyên
nghề nuôi gia súc để đổi lấy thóc lúa, hoa màu. Những thị tộc đó không có
chỗ ở cố định, họ luôn luôn di chuyển cùng với đàn gia súc.
Những người du mục đó sống một cuộc đời tự do và gần gũi thiên nhiên.
Chỉ có những mái lều bằng da thú ngăn cách họ với bầu trời đầy sao bên
ngoài mà thôi, cả vùng thảo nguyên là nhà của họ. Và trong những cuộc hành
trình dài dằng dặc của bộ tộc, lũ con nhỏ của họ ngủ say trên lưng những con
lạc đà chậm chạp bước đi như ru chúng.
Nhưng thời đó những thị tộc du mục thực sự còn ít.
NHỮNG CÔNG CỤ SỐNG
Cuộc sống của những người du mục không phải là hòa bình, phẳng lặng.
Dọc đường, đi qua những cánh đồng hay gặp những đàn gia súc của các thị
tộc làm ruộng, những người du mục thường hay dùng vũ khí chiếm đoạt lấy
thành quả lao động của kẻ khác. Khi tiến công xuống lưu vực các con sông
hay lúc tới rìa các khu rừng, họ cướp bóc, đốt phá các làng mạc, giày xéo lên
ruộng lúa, cướp cả người và súc vật đem đi.
Đặc biệt họ cần cướp lấy cả người, vì họ có thể bắt buộc những tù binh đó
lao động hoặc trông coi các đàn gia súc cho mình.
Đó là cách cư xử của những người du mục. Nhưng chính những người
làm ruộng cũng chẳng phải là yêu chuộng hòa bình gì.