Mùa thu, khi gặt hái đã xong, họ cũng thường đi cướp bóc những người
láng giềng, dùng vũ lực chiếm đoạt lấy thóc lúa, vải vóc, đồ trang sức và vũ
khí của các bộ lạc khác. Và đối với họ thì chiến lợi phẩm quý báu nhất cũng
vẫn là tù binh.
Bởi vì, cũng như những người du mục, những người làm ruộng vẫn cần
có thêm những bàn tay lao động để đào mương, đắp đê, cày bừa.
Trước kia, tù binh không bao giờ bị làm nô lệ vì việc đó chẳng có ý nghĩa
gì. Có thêm được một nhân công cũng chẳng mang lại lợi ích gì đáng kể: mỗi
người làm chỉ kiếm vừa đủ để nuôi miệng, hầu như chẳng thừa ra được mấy
tí.
Tình hình bây giờ hoàn toàn khác hẳn khi đã xuất hiện những đàn gia súc
lớn và những cánh đồng phì nhiêu, khi người lao động đã bắt đầu làm ra được
lúa mì, thịt và len nhiều hơn phần tiêu dùng của mình.
Để có lúa mì đổi lấy len, những người làm ruộng gieo lúa mì nhiều hơn
phần lúa họ vẫn ăn. Và những người chăn nuôi thì nuôi một số cừu nhiều hơn
để có thừa len may mặc, và đem số len thừa ấy đổi lấy bánh mì hoặc vũ khí.
Những sự trao đổi như thế và cả sự cướp bóc lẫn nhau - phải nói thẳng ra
như vậy - đã làm cho một số thị tộc và gia đình trở nên giàu có hơn những thị
tộc và gia đình khác. Họ làm chủ những đàn gia súc lớn, những cánh đồng
bao la. Vì vậy, họ rất thiếu nhân công, vừa để chăn nuôi, vừa để cày bừa.
Chính vì vậy mà người ta buộc những người đồng loại sống trong cảnh nô lệ.