giấu nào đó theo lời chỉ dẫn của một cái giấy tờ nào đó. Nhưng “Đức ông”
đã chẳng tìm thấy gì cả... Rồi cách mạng bùng nổ, và “Đức ông” phải “cuốn
gói” chạy đi, và rồi việc đào bới không ai tiếp tục nữa.
Nếu ta muốn tìm hiểu một điều gì xác thực về chuyện này, thì ta không
thể dò hỏi các cụ nông dân mà phải hỏi các nhà khảo cổ chuyên nghiên cứu
về những mồ mả cổ xưa. Ông cụ nông dân chỉ còn nhớ những cái đã xảy ra
trong quãng đời của mình, còn nhà khảo cổ thì biết cả những cái đã xảy ra
trong nhiều thế kỷ trước khi họ ra đời.
Những mô đất ấy chính là những ngôi mộ chôn cất những người xưa kia
đã sống ở vùng thảo nguyên này. Trong lòng những mộ đó, có những bộ
xương người, xương ngựa và một số đồ thủ công: lọ bằng đất nung, những
công cụ bằng đá và đồng thau. Đó là những hành trang để lại cho những
người đã mất đem lên đường về thế giới bên kia.
Người xưa tin rằng, sau khi đã chết rồi, con người vẫn còn phải ăn và
phải làm việc, rằng vong hồn người phụ nữ vẫn cần đến ống kéo chỉ và vong
hồn người đàn ông vẫn phải dùng đến ngọn giáo.
Các đồ vật ở trong các ngôi mộ lâu đời nhất thì khá giống nhau: người
xưa chỉ để lại cho người chết vài thứ đồ lặt vặt mà người đó trước kia vẫn
dùng làm của riêng.