Đó là vì những người thời thái cổ đâu có nhiều của cải. Thực ra có cái gì
đúng là của riêng họ? Đó là cái bùa họ đeo ở cổ, là ngọn giáo họ dùng để
đánh lại kẻ thù...
Tất cả đều thuộc quyền sở hữu công cộng, bởi vì tất cả mọi người trong
thị tộc đều sống và làm việc chung với nhau.
Chính vì lẽ đó mà ở trong những ngôi mộ cổ xưa nhất, không có sự phân
biệt về việc chôn cất tài sản của người giàu, người nghèo: tất cả những người
chết đều bình đẳng với nhau.
Mãi về sau mới thấy xuất hiện những sự cách biệt về tài sản.
Như là ở gần thị trấn Ê-li-da-vét-tốp-xcai-a trên bờ sông Đông, người ta
đã tìm thấy một bãi tha ma có ba loại mộ khác nhau: mộ người giàu, mộ
người ở tầng lớp trung gian, và mộ người nghèo khó.
Trong những ngôi mộ cao to nhất, có cả một phòng lớn có rất nhiều đồ
đạc: những bình Hy Lạp có những hình vẽ màu, những bộ áo giáp nạm vàng,
những con dao găm chạm trổ có nghệ thuật.
Trong những ngôi mộ quy mô trung bình, những đồ bằng vàng thì hiếm
và hoàn toàn không có những bình có vẽ. Nhưng ngôi mộ vẫn có vẻ giàu có,
vì nếu chủ nó nghèo túng thì làm gì lại được chôn cất cùng với cái đĩa men
đen bóng kia và cái áo giáp bằng lưới thép chạm trổ khéo léo thế!
Đa số những nấm mộ là thấp bé: đó là mộ những người nghèo. Bên cạnh
những bộ xương người chôn trong những hố chật hẹp, người ta thấy ở bên
này một ngọn giáo, ở bên kia một lọ đất nung để cho người quá cố uống nước
khi khát... Những người nghèo thì khi xuống mồ nghèo vẫn hoàn nghèo.
Ta thường nói: “Im lặng như một nấm mồ…” Nhưng những ngôi mộ này
có thực là câm không? Phải chăng những ngôi mộ đó đã kể lại cho ta biết một
cách khá hùng hồn, về thời kỳ đầu tiên loài người đã phân chia thành những
người giàu và những người nghèo? Ở đây người chết đã kể chuyện về những
người sống.