Như vậy nghĩa là anh ta đã biết được một quy luật nhất định của tự nhiên
và đã diễn đạt được một quy tắc có giá trị hiện hành trong vũ trụ.
“Sau mùa đông bao giờ cùng là mùa xuân”. Điều nhận xét đó chẳng có
gì đáng ngạc nhiên đối với chúng ta bây giờ. Mùa đông qua rồi thì dĩ nhiên là
mùa xuân tới chứ không thể là mùa thu được, điều đó đối với chúng ta thật là
rõ ràng như ban ngày. Nhưng đối với tổ tiên xa xưa của chúng ta thì sự kế
tiếp của bốn mùa chính là một trong những phát minh khoa học đầu tiên tìm
ra được sau bao nhiêu thời gian quan sát tự nhiên.
Người ta chỉ bắt đầu đếm các năm, kể từ sau khi đã hiểu rằng các mùa hè
và mùa đông không phải đến một cách tùy tiện, ngẫu nhiên; trái lại sau mùa
đông, bắt buộc phải là mùa xuân, và sau mùa xuân bắt buộc phải là mùa hạ
rồi mùa thu.
Chính người Ai Cập cổ đại đã khám phá ra điều đó, do đã quan sát chu kỳ
nước dâng cao ở sông Nin. Họ đã căn cứ vào những kỳ nước sông dâng cao
để đếm các năm.
Chính các giáo sĩ có nhiệm vụ theo dõi mực nước sông Nin, vì người Ai
Cập hồi đó tin rằng sông Nin là một thiên thần! Cho đến hiện nay trên tường
của các đền đài ở Ai Cập nằm sát bờ sông Nin còn giữ lại những vạch đánh
dấu mực nước của dòng sông do các giáo sĩ làm.
Tháng bảy, khi đất ruộng khô nẻ, nông dân mỏi mắt chờ mong nước sông
Nin chảy vào các con mương, trong lòng phấp phỏng không biết có được như
ý nguyện không. Nếu chẳng may trời nổi giận vì con người phạm nhiều lỗi
lầm, không cho nước sông tràn vào mương để tưới cho ruộng đồng đã khô
cạn, thì số phận họ sẽ ra sao đây?
Vì vậy, nhân dân khắp nơi lũ lượt đem lễ vật đến cúng lễ ở các đền.
Người ta vét cót thóc còn được ít lúa nào đều đem biếu các giáo sĩ để van lạy
họ khéo léo cầu xin Trời rủ lòng thương dân.
Hàng ngày, từ lúc tinh mơ, các giáo sĩ đi xuống bờ sông để xem mực
nước đã lên đến đâu.