Cái vốn khoa học cổ xưa đó không giống nền khoa học ngày nay mấy tí:
nó hãy còn giống phép phù thủy nhiều. Thời đó người ta không những chỉ
quan sát các vì sao mà còn muốn xem sao để đoán trước lương lai.
Vừa khảo sát bầu trời và trái đất, người xưa vừa cầu nguyện đất trời ban
phúc lành. Nhưng cái đó có hề chi: điều quan trọng là đám mây mù tăm tối đã
tan dần trong đầu óc con người.
CÁC THIÊN THẦN RÚT LUI LÊN TRỜI
Trong sương mù của một thế giới kỳ ảo những nét mô phỏng chân thật
các sự vật đã dần dần hiển diện trước mắt con người.
Ở thời kỳ tiền sử, người ta thấy ở đâu cũng toàn là ma quỷ: trong mỗi hòn
đá, mỗi thân cây, mỗi con vật, đều có ma quỷ ẩn nấp.
Sự tin nhảm ấy cuối cùng đã mất đi.
Đến một thời kỳ nào đó, người ta không còn tin rằng trong mỗi con vật có
chứa một con ma, một sức mạnh thần kỳ nữa. Ở trong rừng, trong trí tưởng
tượng của con người, chỉ có một vị thần rừng duy nhất, chứ không phải mỗi
thân cây, mỗi con vật có một vị thần riêng.
Người nông dân từ đó không còn tin rằng mỗi bó lúa có những vị thần
riêng, mà chỉ có một vị nữ thần mùa màng hóa phép cho tất cả các cây lúa
mọc lên.
Những vị thần thay thế cho các vị thần trước kia, không còn sống bên
cạnh người nữa. Sự hiểu biết của con người càng tiến bộ thì càng đẩy lùi thần
thánh ra xa nơi ở của con người. Vì vậy, thần thánh đã đến ẩn náu ở những
nơi mà con người chưa từng đặt chân tới bao giờ, như các khu rừng thiêng
âm u, những đỉnh núi cây mọc rậm rạp.
Nhưng về sau con người cũng đi tới cả những vùng rừng núi xa xôi ấy:
ánh sáng khoa học cũng đã xua tan bóng tối âm u và sương mù dày đặc ở
những nơi rừng rậm, núi cao.