Thời kỳ ấy, anh ta mới chỉ biết lượm nhặt những vật có sẵn trong tự
nhiên, cũng như ngày nay ta kiếm nấm và trái cây trong rừng vậy. Anh ta đến
những bãi cát và những khúc sông nông để tìm kiếm những hòn đá được
thiên nhiên đẽo và mài nhẵn cho.
Những vũ khí có đầu nhọn sẵn có đôi khi tìm thấy ở gần những chỗ nước
xoáy mạnh, cọ xát các hòn đá vào nhau, làm cho đá mòn dần và thay hình đổi
dạng. Tất nhiên là dòng sông chẳng hề quan tâm đến kết quả công việc mình
làm. Vì vậy, trong số trăm nghìn hòn đá được nước sông chế tác như thế, chỉ
có một số rất ít có thể giúp ích cho con người.
Cho nên con người đã phải tìm cách tự làm ra những dụng cụ cần thiết.
Và đã xảy ra một việc mà sau này còn diễn lại nhiều lần trong lịch sử: con
người đã tạo ra những công cụ thay cho những công cụ có sẵn của tạo hóa.
Tự nhiên giống như một công xưởng vĩ đại, ở đó con người sắp đặt công
xưởng riêng của mình trong một góc nhỏ để sáng chế ra những công cụ mà
trong thiên nhiên không có.
Đó là trường hợp của những công cụ mà con người trước hết làm bằng
đá, rồi hàng nghìn năm sau chuyển sang làm bằng kim loại. Lúc đầu người ta
đẽo gọt những mảnh kim khí vụn sẵn có trong tự nhiên, nhưng tương đối
hiếm, sau mới biết cách lấy kim khí từ trong quặng ra. Và mỗi khi tiến từ
những vật sẵn có trong tự nhiên sang những vật đó, chính tay mình làm ra, tổ
tiên chúng ta lại tiến thêm một bước nhảy vọt đến gần tự do, gần việc giải
phóng bản thân khỏi sự khống chế khắc nghiệt của tự nhiên.
Thoạt đầu, con người chưa biết chế ra các vật liệu làm công cụ. Trước hết
họ mới chỉ biết thay đổi hình dạng những vật có sẵn trong tự nhiên. Người
nguyên thủy chọn một hòn đá và lấy hòn đá khác ghè dần vào nhau làm biến
đổi hình thù hòn đá kia. Như vậy là đã có một dụng cụ mà các nhà khảo cổ
học đặt tên là “rìu đẽo hai mặt” hoặc là “cái để thái”. Những mảnh đá vỡ ra
cũng được giữ lại để dùng, để cắt, nạo, đâm thủng, v.v...