tạo tự nhiên từng tí một, bằng cách đổi thay hình dạng những hòn đá do tự
nhiên sáng tạo ra.
Thế là con người cùng với việc tự đặt mình cao hơn hẳn một bực trên
muôn loài đã làm cho mình bớt phụ thuộc vào xung quanh. Từ nay trở đi, con
người không còn phải lo ngại việc tự nhiên không làm sẵn cho họ những hòn
đá thích hợp với nhu cầu.
Bây giờ con người đã biết làm lấy công cụ để dùng.
MỞ ĐẦU TIỂU SỬ
Khi viết tiểu sử một nhân vật nào, thường thường người ta bắt đầu bằng
ngày sinh và nơi sinh. Thí dụ: “Ông I-van I-va-nô-vích I-va-nốp sinh ở Tam-
bốp ngày 23 tháng 11 năm 1897”. Đôi khi người ta còn diễn tả việc đó bằng
lời văn trịnh trọng hơn: “Trong một ngày mưa tháng 11 năm 1897, ở một ngôi
nhà nhỏ tại ngoại ô Tam-bốp, I-va-nô-vích I-va-nốp ra đời. Về sau ông đã
làm rạng danh thành phố quê hương mình”.
Chúng ta đã sang tới chương thứ ba cuốn tiểu sử của con Người mà vẫn
chưa nói con Người ra đời ở đâu và bao giờ. Ngay cả đến tên thật chính xác
của anh ta là gì, ta cũng chưa nói đến. Khi thì ta gọi anh ta “người-vượn”, khi
thì gọi là “người tiền sử”, có khi còn gọi bằng những danh từ lờ mờ hơn nữa,
như “ông tổ ở rừng của loài người”, v.v...
Bây giờ đã đến lúc phải làm cho minh bạch theo đúng lệ thường.
Trước hết, hãy nói đến tên nhân vật.
Dù chúng ta đầy thiện chí đến mấy, chúng ta cũng không thể gọi lên một
tên dứt khoát được, vì nhân vật này mang rất nhiều tên khác nhau.
Mời bạn hãy mở lướt các trang của bất cứ một cuốn tiểu sử nào. Bạn sẽ
thấy rằng, từ trang đầu đến trang cuối, nhân vật kể trong truyện vẫn giữ
nguyên một tên họ. Anh ta lớn lên, từ lúc trẻ đến lúc đứng tuổi, cho đến khi
râu ria mọc dài, mà tên họ vẫn không thay đổi. Lúc sinh ra nếu người ta đặt